Cà phê vùi cát nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cà phê cát nóng Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc lâu đời và đến nay vẫn chưa xác định chính xác phương pháp pha chế này bắt nguồn từ đâu. Các học giả Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nó bắt nguồn từ nền văn hóa Ottoman, khoảng thế kỷ XIV-XX. Từ thời Ottoman, vua và giới quý tộc đã yêu cầu người hầu pha cà phê trong cát nóng.

Năm 2013, Văn hóa và truyền thống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Tại quán cà phê của anh Osman ở quận Fatih, Istanbul, cà phê cát được bày biện ngay cửa, bán từ sáng đến tối. Anh cho biết, mỗi ngày có hàng trăm người chủ yếu là khách du lịch mua, thưởng thức đồ uống đặc sản của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bột cà phê được cho vào bình kim loại "cezve" có tay cầm dài chuyên dụng. Cezve thường được làm bằng đồng thau hoặc đồng, đôi khi bằng bạc hoặc vàng. Những năm gần đây, nhiều cezve làm từ thép không gỉ, nhôm hoặc gốm sứ.

Người pha đặt bình vào khay cát nóng, trên ngọn lửa hoặc bếp điện. "Mỗi nơi dùng một loại cát khác nhau, tiệm tôi chọn cát từ vùng sa mạc ở Dubai vì rất mịn, đun trên bếp điện ở 180 độ C", anh Osman cho biết.

Tùy theo khẩu vị của khách tiệm sẽ cho lượng đường vừa phải rồi thêm nước vào cezve. Có bốn mức độ: sade (cà phê nguyên vị - có màu nâu rất nhạt), az şekerli (ngọt nhẹ), orta şekerli (ngọt vừa) hoặc şekerli (ngọt).

Sau khi thêm nước, người pha liên tục dùng tay đảo quanh khay trong 5 phút để cà phê nóng lên, hòa tan trong nước. Độ nóng được điều chỉnh bằng cách vùi ấm cà phê vào cát nông hoặc sâu.

Cà phê khi sôi và sủi bọt sẽ được rót vào chén nhỏ cho khách mà không cần lọc bã. Theo người bán, ngoài chất lượng hạt, điều quan trọng giúp cà phê cát có hương vị riêng đậm đặc là nhờ kỹ thuật rang, xay và pha chế.

Sau khi rót ra chén, phần cà phê còn lại tiếp tục được giữ trong cezve và vùi vào cát 3-4 lần nữa mà không cần chế thêm nước. Bã cà phê lắng xuống đáy giúp thức uống đặc sánh và đậm đà.

Một ly cà phê cát tại tiệm anh Osman có giá 10 lira, khoảng 80.000 đồng, được phục vụ kèm một loại kẹo dẻo.

Cà phê là thức uống phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, được chuộng vào bữa xế hoặc sau bữa tối, nhâm nhi với món tráng miệng.

Tại tiệm của anh Osman cũng như nhiều nơi khác cũng bán thêm trà nóng vùi trong cát. Trà cũng là thức uống quen thuộc trong đời sống người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỗi ngày tiệm của anh Osman bán khoảng 400 ly cà phê.

Cà phê cát dễ dàng tìm thấy trên đường phố Istalbul, đặc biệt là ở khu Taksim - nơi có quảng trường kết nối cùng khu phố đi bộ với nhiều cửa hàng, quầy ăn, quán cà phê hay trong các khách sạn.

Để tới Istanbul từ Việt Nam, du khách có thể bay thẳng từ Hà Nội hoặc TP HCM bằng Turkish Airlines trong khoảng11 tiếng vào ban đêm - thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ đêm trên máy bay và đến Istanbul vào buổi sáng sớm. Khách sẽ có nhiều thời gian tham quan tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thuận tiện hơn nếu chỉ quá cảnh trong vòng 2 tiếng.

Với du khách từ Việt đến châu Âu quá cảnh hơn 6 tiếng tại Istanbul, hãng Turkish Airlines cung cấp xe tham quan các điểm nổi tiếng trong thành phố, ăn sáng hoặc trưa với hướng dẫn viên tiếng Anh miễn phí. Ngoài ra, hãng cũng cung cấp miễn phí 1 đêm tại khách sạn 4 sao dành cho khách đi phổ thông và 2 đêm khách sạn 5 sao cho khách đi khoang thương gia để có thể vào Istanbul nghỉ ngơi và trải nghiệm rồi bay tiếp.

Cà phê cát
 
 

Cách pha chế cà phê cát.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net