"Đây chính là chiều sâu văn hóa", Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) tại Quảng Nam, ngày 10/12.
Theo ông, du khách muốn được trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của đời sống, con người Việt Nam thân thiện và mến khách. Việt Nam, với 70% dân số ở khu vực nông thôn, được xác định là "vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn".
Để phát triển bền vững, ông cho rằng phải bắt đầu từ văn hóa bản địa, giữ bản sắc văn hóa của từng làng, từ đó hình thành các sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việt Nam đã xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn thành công ở một số nơi, với các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái, làng nghề truyền thống và ẩm thực.
Tuy vậy, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam còn nhiều thách thức và khó khăn bởi các bản làng ở nơi xa xôi. Để thu hút khách, cần giải quyết một loạt vấn đề gồm hạ tầng, chính sách, làm mới sản phẩm cũng như đảm bảo nét đặc sắc, tiêu biểu.
Một giải pháp khác là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kết nối các làng và thông qua công cụ này để quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến. "Chỉ có con đường bằng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chuyên nghiệp hơn chứ không phải tự phát như vừa qua", ông Hùng nói.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển. Mô hình này thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị và quảng bá, tôn vinh các giá trị độc đáo của địa phương.
"Phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương", Phú thủ tướng Long nói về một trong những định hướng cho du lịch nông thôn.
Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến nông thôn đa dạng, hấp dẫn. Trong đó, nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN. Đặc biệt, làng Tân Hóa (Quảng Bình), Thái Hải (Thái Nguyên), Trà Quế (Quảng Nam) được Tổ chức du lịch Liên Hợp Quốc vinh danh là Làng du lịch tốt nhất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư trong phát triển du lịch nông thôn. "Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm 'mỗi làng một sản phẩm'; 'mỗi người dân là một đại sứ du lịch'; 'mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc', ông Long, nói.
Phó tổng thư ký Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc Zoritsa Urosevic cho biết du lịch có khả năng thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế địa phương, tăng cường liên kết giữa du lịch và nông nghiệp, trao quyền cho cộng đồng bản địa, kích thích đổi mới và thu hút đầu tư. Tập trung vào du lịch nông thôn sẽ tăng kết nối giữa con người và môi trường, bảo vệ truyền thống. Bà cho biết UN Tourism cam kết đưa du lịch nông thôn vào chương trình toàn cầu.
I Wayan Budiarta, trưởng làng Penglipuran, làng du lịch tốt nhất thế giới của Indonesia năm 2023, nói "có thu nhập từ du lịch nông thôn là một câu hỏi khó, cần sự hợp tác của cộng đồng". Ở Penglipuran, mỗi đứa trẻ đi học đều được giáo dục về truyền thống văn hóa. Công dân đủ 18 tuổi được tham gia vào các tổ chức riêng của làng. Khi lập gia đình, mỗi người được định hướng một công việc phù hợp với khả năng của mình, ai giỏi đan lát thì làm đan lát, ai thêu giỏi thì làm việc liên quan đến thêu thùa.
Chính phủ Indonesia hỗ trợ quảng bá du lịch nông thôn bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu mỗi làng với sự tham gia của nhiều cơ quan. Đến nay có 6.000 trong 18.000 làng đăng ký cung cấp dữ liệu cho du khách tìm hiểu.
Từ một ngôi làng hẻo lánh, tới nay Penglipuran ở Bali thu hút 2.000 khách du lịch mỗi ngày. "Giới trẻ tìm về các làng quê du lịch", Ali Nurman, đại diện Bộ Du lịch Indonesia, nói về du lịch nông thôn nước này.