Theo Tianyancha, mới đây công ty TNHH Văn hóa Du Lịch Tường Nguyên, công ty TNHH văn hóa Long Vy Tây Tạng của Triệu Vy bị buộc trả số tiền hơn 14.000 NDT (50 triệu đồng) liên quan đến quá trình xử án về gian lận chứng khoán. Cả hai vụ đều được Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang thi hành án.
Tin tức trên khiến chủ đề "Triệu Vy bị buộc phải trả 14.177 NDT" được tìm kiếm nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. "Có phải con số sai không?", "Tôi e số tiền còn không đủ để trả một bữa ăn sang trọng của cô ấy"... một số khán giả bình luận.
Trên thực tế, đối với Triệu Vy, vấn đề đau đầu không chỉ là con số 14.000 NDT. Công ty TNHH văn hóa Long Vy Tây Tạng đứng tên cô hiện dính líu đến hơn 400 tranh chấp trách nhiệm pháp lý về việc gian dối chứng khoán. Từ chỗ là "siêu sao Trung Quốc", Triệu Vy dần rơi vào hoàn cảnh cô độc và tuyệt vọng như hiện tại.
Vì sao Én nhỏ "gãy cánh"?
Năm 2016 được cho là điểm khởi đầu chuỗi ngày "đen tối" của Triệu Vy. Năm đó, công ty TNHH văn hóa Long Vy Tây Tạng do vợ chồng Triệu Vy kiểm soát, lên kế hoạch nắm lấy công ty Văn hóa Vạn Gia (nay đổi tên thành công ty TNHH Văn hóa Du Lịch Tường Nguyên) với khoản đầu tư khổng lồ 3,06 tỷ NDT.
Trong vụ mua bán tưởng chừng hoành tráng này, vợ chồng Triệu Vy được cho đã chơi trò "rắn nuốt voi". Họ chỉ đầu tư 60 triệu NDT từ quỹ của mình, còn lại là tiền đi vay. Tỷ lệ đòn bẩy được dùng trong vụ này, ước tính lên tới hơn 50 lần. Theo truyền thông Trung Quốc, vợ chồng Triệu Vy ban đầu muốn sử dụng ảnh hưởng của người nổi tiếng để thành lập một công ty vỏ bọc, tiền mua công ty phần lớn từ tiền vay của các tổ chức tài chính. Ngay cả khi cổ phiếu không tăng mạnh, lợi nhuận của công ty có thể được dùng để trả dần khoản vay. Phương pháp đầu tư tài chính này có một thuật ngữ chuyên môn: Mua lại bằng đòn bẩy, hay gọi tắt là LBO.
Tuy nhiên kế hoạch mua lại thất bại, vợ chồng Triệu Vy đã làm việc vội vàng, khi nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính liên quan vẫn chưa được phê duyệt và không chắc chắn. Giá cổ phiếu của Vạn Gia lao dốc, từ 25 NDT xuống còn 8,85 NDT, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề trong phi vụ này. Kết quả vợ chồng Triệu Vy bị cấm tham gia thị trường trong 5 năm và bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc phạt 300.000 NDT.
Đầu 2019, sau vụ kiện của nhà đầu tư, phán quyết được đưa ra, Tường Nguyên thua kiện và Triệu Vy phải chịu một số trách nhiệm chung. Phán quyết này được cho đã gióng lên hồi chuông báo tử cho sự nghiệp diễn xuất của Triệu Vy.
Vào năm 2021, hành vi của Triệu Vy bị vạch trần, vô số người chửi bới, đòi tiền cô. Super chat trên Weibo bị chặn và tác phẩm của cô bị gỡ khỏi kệ. Triệu Vy gần như bị gạch tên trong làng giải trí. Khi tìm kiếm từ khóa "Triệu Vy" trên Tencent Video, iQiyi và các nền tảng khác, kết quả được trả lại là "Xin lỗi, không tìm thấy nội dung liên quan" hoặc "Do luật pháp và chính sách liên quan, không thể hiển thị kết quả". Cái tên Triệu Vy đã trở thành điều cấm kỵ trong làng giải trí. Sự vinh quang và suy tàn của cô trở thành chủ đề bàn tán của mọi người, mọi nhà.
Ai đã khiến Triệu Vy lạc lối?
Chồng Triệu Vy, Huỳnh Hữu Long, là một doanh nhân rất bí ẩn và gây nhiều tranh cãi. Nguồn lực sâu rộng của Huỳnh Hữu Long đã mở ra cánh cửa cho Triệu Vy bước vào thế giới kinh doanh. Năm 2014, nhờ mối quan hệ cá nhân với Jack Ma, vợ chồng Triệu Vy đã nắm bắt sâu sắc tiềm năng to lớn của Alibaba Pictures. Họ hành động dứt khoát và mua một lượng lớn cổ phiếu của Alibaba Pictures với giá rẻ, trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty.
Năm 2015, Alibaba Pictures có sự tăng trưởng bùng nổ. Vợ chồng Triệu Vy đã bán một phần cổ phiếu của họ vào đúng thời điểm và kiếm được khoản lãi dễ dàng là 589 triệu HKD. Năm 2016, khi kế hoạch đầu tư được điều chỉnh, vợ chồng Triệu Vy quyết định rút lui hoàn toàn và bán toàn bộ 799 triệu cổ phiếu trong tay, một lần nữa thu về khoản lãi khổng lồ 1,2 tỷ HKD. Mô hình hoạt động vốn sử dụng số tiền nhỏ để thu được lợi nhuận lớn này đã cho phép vợ chồng Triệu Vy nhanh chóng tích lũy khối tài sản khổng lồ.
Với bước đệm này, họ từ bỏ con đường kinh doanh truyền thống và tham gia vào hoạt động gọi vốn. Triệu Vy, từ một diễn viên thuần túy, đã trở thành khách mời của các doanh nhân, thậm chí còn được mệnh danh là "Nữ thần đầu tư".
Trong thời kỳ huy hoàng nhất của họ, vợ chồng Triệu Vy kiểm soát tới 12 công ty, với phạm vi kinh doanh bao gồm bất động sản, văn hóa, thể thao, giải trí, tài chính, bán buôn và các lĩnh vực khác. Giá trị tài sản ròng của họ cũng tăng lên, đạt hàng tỷ USD.
Ngay khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, vợ chồng Triệu Vy bị cơ quan chức năng "tuýt còi". Việc bị xử phạt khiến con đường gọi vốn của họ bị đình trệ.
Kể từ năm 2017, Triệu Vy ngừng thành lập công ty mới, bản thân cũng hứng chịu đòn nặng nề. Đến hiện tại, chỉ có vài công ty do cô kiểm soát còn tồn tại, số khác đã bị hủy bỏ hoặc thu hồi. Một số công ty mà cô là cổ đông cũng đã rút cổ phần.
Truyền thông Trung Quốc nhận xét Triệu Vy "không chuyên nghiệp và thiếu kiến thức kinh doanh", cho rằng cô không am hiểu các quy định, chính sách pháp luật. Nhiều người tin rằng Huỳnh Hữu Long đã quyết định hướng đi cho cuộc đời cô.
Tháng 4/2013, bộ phim Gửi thanh xuân của đạo diễn Triệu Vy được ra mắt không chỉ đạt được thành công về mặt phòng vé mà còn giành được sự công nhận rộng rãi trong giới. Bộ phim cũng là tác phẩm tốt nghiệp của Triệu Vy tại Khoa Đạo diễn, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.
Điều trùng hợp, bộ phim kể về câu chuyện của một nhóm bạn trẻ từ hành trình theo đuổi tình yêu trong khuôn viên trường đại học cho đến những bối rối và lựa chọn khi bước vào xã hội. Bản thân Triệu Vy vốn có một tương lai tươi sáng trong làng giải trí, nhưng điều khó khăn nhất một con người cần làm là kiên định với lý tưởng. Với Triệu Vy, lòng người không thể chống lại sự cám dỗ, ở ngã ba đường, cô đã chọn một con đường khác. Các bình luận nói rằng đây có thể là "Một cơ hội để nhìn lại" cho Én nhỏ.
Nguyễn Hương (Theo BC)