'Đăng ký bảo hộ món phở ở London là vô lý'

Tháng 10, chuỗi nhà hàng đồ Việt tên Pho Holdings, do Stephen và Jules Wall thành lập năm 2005, đệ đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ Anh, từ bỏ đăng ký bản quyền từ "Phở" trong thương hiệu. Động thái này kết thúc "cuộc chiến phở" từ năm 2013 với Mơ Phở, một nhà hàng phía đông London.

Trước đó, Pho Holdings hứng chỉ trích trên mạng xã hội vì đòi "độc quyền sử dụng từ 'phở'" làm tên thương hiệu cho hàng chục nhà hàng ở Anh. Sau khi thừa nhận mắc sai lầm và tuyên bố dừng chống lại Mơ Phở, chuỗi nhà hàng tiếp tục hứng bão tẩy chay vì lời xin lỗi "không chân thành".

Trên các nền tảng mạng xã hội đăng tải lại câu chuyện của Pho Holding, nhiều người dùng đặt ra câu hỏi về việc đăng ký bảo hộ cho một món ăn.

Một nhà hàng của chuỗi Pho Holdings tại London. Ảnh:Pho Holdings

Một nhà hàng của chuỗi Pho Holdings tại London. Ảnh:Pho Holdings

Tiến sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Luật TP HCM, khẳng định không thể đăng ký bảo hộ cho một món ăn, mà chỉ có thể đăng ký nhãn hiệu là tên món ăn kèm một danh từ riêng, ví dụ "phở ABC".

"Mỗi quốc gia có món nổi tiếng thế giới, không thể đăng ký bảo hộ cho món sushi, món pizza hay nhãn hiệu tên sushi, pizza", bà Thảo nói.

Bà cho hay ở Việt Nam cũng có quy định về đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu. Theo điểm B, khoản 2, điều 74 của Luật sở hữu trí tuệ, những tên gọi thông thường của hàng hóa sẽ được xếp vào nhóm không có khả năng phân biệt. Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ phải đạt yêu cầu về khả năng phân biệt.

Tiến sĩ Thảo nhận định cơ quan có thẩm quyền ở Anh cấp văn bằng bảo hộ cho "Pho" của thương hiệu Pho Holding là sai quy định. Biện pháp duy nhất trong vụ việc này là khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Với các vụ việc tương tự ở bất kỳ nước nào, doanh nghiệp chỉ cần khiếu nại, yêu cầu cơ quan cấp văn bằng bảo hộ hủy đăng ký bản quyền.

Bà Thảo giải thích thêm, khi đăng ký bảo hộ thương hiệu hay nhãn hiệu cần có chủ sở hữu. "Nếu đăng ký độc quyền từ 'phở', không lẽ toàn bộ dân Việt Nam là chủ sở hữu của nhãn hiệu phở, điều này là vô lý", bà Thảo nói.

Tiến sĩ Matt Kim, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng việc phát sinh các vấn đề về tranh chấp nhãn hiệu cho thấy sự thiếu độc đáo trong tên gọi. Bất kể quyền sở hữu pháp lý, tên nhà hàng không nên giống với các bên khác để đảm bảo tính riêng biệt.

Ông Kim đưa ra những gợi ý để doanh nghiệp kinh doanh ăn uống F&B tránh các tranh chấp thương hiệu không đánh có. Hầu hết nhà hàng đều chia sẻ tên của mình trên nhiều nền tảng thông tin để quảng bá, vì vậy khi bắt đầu mở nhà hàng, việc kiểm tra trùng tên không mất nhiều thời gian. Tiến sĩ Kim cũng cho rằng nên tham khảo ý kiến pháp lý để có đảm bảo rõ ràng về vấn đề nhãn hiệu.

Món phở tái nạm của tiệm phở Dậu ở TP HCM. Ảnh: Bích Phương

Món phở tái nạm của tiệm phở Dậu ở TP HCM. Ảnh: Bích Phương

"Thêm một từ riêng biệt trước thuật ngữ chung "phở" trong tên nhà hàng có thể là cách duy nhất để bảo vệ nhãn hiệu nhà hàng, vừa duy trì quyền tự do kinh doanh vừa bảo tồn ý nghĩa văn hóa của món ăn", ông Matt Kim nói.

Để xây dựng thương hiệu độc đáo cho quán phở mà vẫn giữ gìn sự đa dạng ẩm thực, chủ quán nên thêm tên riêng phản ánh bản sắc của mình vào "phở". Ví dụ, dùng tên của người sáng lập, biệt danh hoặc tên địa danh nơi quán bắt đầu hoạt động, khiến khách hàng kỳ vọng vào một công thức riêng mang dấu ấn của chủ quán hoặc khu vực đó. Điều này không chỉ cho thấy loại món ăn mà quán phục vụ, mà còn gi��p quán nổi bật và dễ dàng để khách hàng gắn liền tên gọi với những điểm độc đáo của quán.

Một cách khác là kết hợp "phở" với một từ nêu bật công thức đặc trưng riêng của quán. Chẳng hạn, phở của quán có sử dụng bột ớt paprika, tên gọi "Phở paprika" sẽ đem lại thông tin chính xác và giúp quảng bá nhà hàng hiệu quả.

Bích Phương