Du khách 'sống lại' thời bao cấp, hồi tưởng về Hà Nội xưa

Từ ngày 29/11 đến 1/12 vừa qua, nhiều người dân miền Bắc nô nức đến phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình, Hà Nội) để trải nghiệm chương trình 'Đêm Trúc Bạch'. Sự kiện là nét mới nhằm thúc đẩy, phát triển du lịch thủ đô, với nhiều hoạt động ý nghĩa, đưa du khách trở về không gian Hà Nội thời bao cấp, nhớ lại ký ức về cuộc sống gian khó một thời của người dân Hà thành.

Dọc theo con phố dài 200 m, không gian được tái hiện như một phim trường, đưa du khách bước vào khu phố xưa đầy hoài niệm với các cửa hàng tạp hóa, toa tàu điện, hiệu ảnh, tiệm may đo quần áo và quầy cho thuê truyện tranh quen thuộc.

Khu vực này được bài trí như phòng khách của một gia đình Hà Nội trong thời bao cấp, tái hiện không gian sinh hoạt đặc trưng của giai đoạn ấy.

Mỗi gian hàng bao cấp được thiết kế riêng theo từng chủ đề, kết hợp hệ thống âm thanh và ánh sáng trang trí, tạo không gian sống động mang đến cảm xúc chân thực nhất.

Trên tuyến phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, các toa tàu thuộc Tuyến tàu điện số 6 được trưng bày như những 'bảo tàng mini' di động. Mỗi toa tàu mang một nét ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam, từ lúa - thóc - gạo, phở - bún - sợi, đến bếp - chạn - mâm. Tại toa số 1 'lúa - thóc - gạo', du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các vật dụng đặc trưng của nghề nông truyền thống. Những chiếc mỏ trâu, máy xát gạo và đồ dùng bếp đơn sơ không chỉ mang đến trải nghiệm sinh động mà còn gợi nhớ phương thức sản xuất của người dân Việt Nam xưa.

Một căn bếp xưa được tái hiện chân thực, phản ánh cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội thời bao cấp, với những vật dụng quen thuộc như mâm cơm, tò he, nồi chảo gang, cối, phích nước, bếp củi...

Huệ Linh, đến từ huyện Thường Tín (Hà Nội), cho biết cô hiểu rõ hơn về cuộc sống của ông bà mình thời bao cấp, sinh hoạt ra sao trong những năm tháng khó khăn ấy khi đến tham quan, trải nghiệm. 'Ngày trước, nhà bà ngoại tôi thường dùng quang gánh, rong ruổi bán hàng khắp ngõ xóm. Khi nhìn thấy bộ bàn ghế gỗ ở đây, tôi cảm giác như được trở về nhà bà ngoại, những hình ảnh giản dị và thân thương về bà lại hiện lên trong tâm trí tôi', cô nói.

Minh Anh, ở quận Cầu Giấy, tỏ ra thích thú khi được đắm mình trong không gian hoài cổ với những thiết bị chụp ảnh của một thời kỳ đã qua. Cô chia sẻ, những vật dụng đời sống xưa cũ khiến cô như được sống lại những năm tháng đầy khó khăn và thiếu thốn của thế hệ đi trước, từ đó càng thêm trân trọng và ý thức về việc gìn giữ những giá trị đó.

Vợ chồng Hạnh ở quận Hai Bà Trưng, lưu giữ kỷ niệm bên chiếc xe đạp gắn bó suốt thời thanh xuân. Cô cho hay: 'Khi nhìn thấy những toa tàu và gian ẩm thực thời xưa, tôi cảm giác như được trở lại thuở học trò cách đây khoảng 40 năm. Mọi ký ức ùa về khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, hoài niệm'.

'Tôi như được sống lại thời bao cấp mà thế hệ trẻ như chúng tôi chưa từng biết đến. Cảm giác bồi hồi và mong muốn có thêm nhiều hoạt động để tiếp tục khám phá. Tôi đặc biệt yêu thích toa tàu số 1 với chủ đề 'lúa - thóc - gạo', nơi trưng bày các dụng cụ làm nông như bếp, gạo, mỏ trâu, phản ánh chân thực đời sống của người nông dân xưa', Đoàn Phương Thảo ở quận Long Biên bày tỏ.

'Đây là làng tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chính vì tình yêu quê hương, đất nước, tôi đã về làng từ 5h sáng. Khi về, tôi thấy mọi góc phố đều đẹp, và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi TP Hà Nội tổ chức một không gian tuyệt vời như thế này. Không gian nhà bao cấp là nơi tôi thích nhất, bởi nó giống hệt ngôi nhà thời thơ ấu của tôi. Từ bộ bàn ghế, ấm phích Rạng Đông, đến ly trà đều giống như trong ký ức của tôi. Thật sự, tôi cảm giác như quay lại tuổi thơ cách đây 40 năm, đầy niềm vui và hạnh phúc', du khách Nguyễn Hoàng Yến cho biết.

Nữ du khách thích thú khi được hồi tưởng lại ký ức tập đi xe với chiếc xe đạp ngày xưa.

Một tiệm may được phục dựng, tái hiện lại phương pháp may vắt số, kỹ thuật cơ bản trong may vá xưa. Phương pháp này không chỉ giúp tạo đường viền chắc chắn và thẩm mỹ cho vải mà còn ngăn ngừa sờn mép. Sử dụng máy may chuyên dụng với kim và dao cắt, kỹ thuật vắt số cắt gọn mép vải và may viền chỉ cùng lúc. Phương pháp này thường được áp dụng cho các loại vải dễ sờn như cotton, lụa hay vải thun, với các đường may thẳng hoặc zigzag, mang lại độ bền và tính đàn hồi cho sản phẩm.

Không gian trưng bày câu đối Tết thời bao cấp.

Tùng Đinh