Đưa khách nước ngoài thăm 'bà đẻ', xem nghĩa trang

Vũ Ngọc Sơn, 34 tuổi, hướng dẫn viên sống tại Hà Nội, thường đăng tải những video ghi lại trải nghiệm "độc, lạ" của khách mình dẫn. Hồi tháng 11, trong chuyến đi Ninh Bình cùng khách Anh gốc Kuwait, Sơn còn dẫn người này tới thăm nhà người quen vừa sinh con.

"Hầu hết khách của tôi đều thuộc nhóm cao cấp", anh nói, cho biết mỗi khách thường trả từ 3.000 USD cho hành trình khoảng 10-12 ngày ở Việt Nam. Các hành trình đều được lên kế hoạch tỉ mỉ, đem đến những trải nghiệm tương xứng giá tiền ở mỗi nơi khách đi qua.

Tuy nhiên, trong quá trình dẫn tour, khoảng 30% khách của anh Sơn đổi ý muốn trải nghiệm sâu hơn về văn hóa, đời sống người địa phương thay vì đến những điểm tham quan thông thường.

Đoàn khách Bulgaria tới nghĩa trang để tìm hiểu về các phong tục ở Việt Nam vào năm 2022. Ảnh: NVCC

Đoàn khách Bulgaria tới nghĩa trang để tìm hiểu về các phong tục ở Việt Nam vào năm 2022. Ảnh: NVCC

Ví dụ, khách Anh đi thăm bà đẻ cùng anh Sơn ban đầu có lịch trình tham quan khác ở Ninh Bình và trải nghiệm ngồi đò dạo sông. Tuy nhiên, người này gặp vấn đề về chân, không thể đi tiếp và cũng không hào hứng tham quan các điểm du lịch nữa. Sơn đã gợi ý đổi sang trải nghiệm tìm hiểu văn hóa làng quê Ninh Bình thông qua việc đi đến các nhà dân để quan sát.

Khi tới thăm bà đẻ, anh giải thích với khách đứa trẻ mới sinh đem đến niềm hạnh phúc cho gia đình và mọi người thường đem quà tới thăm. Vị khách cũng kể ở Kuwait có phong tục tặng chút vàng cho em bé mới sinh nhưng trải nghiệm này bất ngờ nên không chuẩn bị kịp. Sau đó, vị khách này cũng tiếp tục thăm thú những nơi đặc trưng của thôn quê Việt Nam như ghé trại gà, ra đồng lúa.

Nam du khách Anh gốc Kuwait thăm gia đình có trẻ em mới sinh ở Ninh Bình. Ảnh: NVCC

Nam du khách Anh gốc Kuwait thăm gia đình có trẻ em mới sinh ở Ninh Bình. Ảnh: NVCC

"Nhiều khách thích học hỏi, tìm hiểu sâu về văn hóa lịch sử và quá nhàm chán với kiểu du lịch thông thường nên tôi phải sáng tạo ra những chương trình như thế", anh nói, cho biết các trải nghiệm này chỉ mang tính chất vui vẻ, tự phát theo yêu cầu riêng của khách.

Theo anh Sơn, kiểu trải nghiệm "lạ'' cho khách Tây này gây chú ý trong năm nay nhưng anh đã thực hiện từ hai năm trước. Khi ấy, anh tình cờ thấy một nghĩa trang trên đường đi nên đã nhờ tài xế dừng xe, đưa cả nhóm khách Bulgaria cao cấp vào thăm để giới thiệu cho họ về những tập tục mai táng, cúng bái của người Việt. Gần đây, anh còn để khách trải nghiệm làm phụ hồ hoặc phụ rửa bát ngoài sân sau bữa ăn.

"Nhiều người thấy hình ảnh đó hài hước, không hiểu sao khách chi cả nghìn USD đi du lịch lại phải rửa mâm sau khi ăn", anh kể.

Một kỷ niệm anh Sơn cũng nhớ mãi là khi đưa hai khách Nam Phi tham dự buổi tất niên của xóm vào năm ngoái. Dù 22h máy bay cất cánh, khách vẫn quyết tham dự và liên tục phớt lờ cảnh báo sắp trễ chuyến của anh Sơn do "quá vui". May mắn là khách mua vé hạng thương gia, được ưu tiên check in nên chuyến bay vẫn suôn sẻ.

Anh Sơn cho biết cả du khách nước ngoài lẫn người địa phương đều hạnh phúc với những hoạt động này. Đa số khách của anh tới từ các nước phát triển, giữa con người thường có sự xa cách. Khi tới Việt Nam và được hòa mình vào nếp sống gia đình, thôn quê gần gũi, khách đều ấn tượng, nói muốn quay lại lần nữa.

Trong khi đó, người Việt lại hiếu khách nên hầu như không bao giờ từ chối khi thấy khách nước ngoài muốn trải nghiệm đời sống của mình. Tuy nhiên, một số trải nghiệm đặc biệt như thăm bà đẻ không phải lúc nào cũng thực hiện được vì mang tính riêng tư, thư��ng phải nhờ người quen.

"Có nhiều khách nói họ thấy mình như một phần của Việt Nam sau khi tham gia các hoạt động cùng người bản địa", anh nói. Việc dẫn khách trải nghiệm những chương trình du lịch "độc, lạ" cũng gây ra một số ý kiến trái chiều như tour thiếu chỉn chu. Tuy nhiên, anh không để tâm vì quan trọng là du khách cảm thấy thoải mái, thêm yêu Việt Nam sau chuyến du lịch.

Tú Nguyễn