Anh Nguyễn Thành Nguyên, 38 tuổi, sống tại TP HCM, dự định đi du lịch Đà Lạt đầu tháng 12 nhân Festival hoa và đặt khách sạn Stellar View đường Hoàng Hoa Thám qua mạng xã hội. Sau khi thỏa thuận về giá phòng, anh được yêu cầu chuyển tiền sớm để nhận ưu đãi 20% từ khách sạn. Hôm 17/11, sau khi chuyển 3.120.000 đồng, anh nhận tin nhắn "chuyển khoản không đúng", yêu cầu chuyển lại. Anh được cung cấp thêm nhiều số tài khoản khác và đề nghị chuyển tiếp, khi nào đúng cú pháp sẽ được hoàn tiền. Kẻ lừa đảo còn liên tục gợi ý anh chia sẻ màn hình điện thoại và mã OTP.
"Lúc tôi nhận ra dấu hiệu lừa đảo thì bên kia chặn tài khoản và cắt đứt liên lạc", anh Nguyên nói.
Đại diện khách sạn Stellar View cho biết đơn vị ghi nhận hàng chục khách bị lừa đặt phòng qua trang "Stellar view hotel" giả. Nội dung trên web của khách sạn bị kẻ xấu sao chép y hệt, thậm chí các trang giả mạo còn tích cực đăng bài, có lượt tương tác và theo dõi cao gấp đôi trang thật.
Hàng trăm khách đặt phòng các khách sạn khác cũng bị "sập bẫy" trước thủ đoạn lừa đảo tương tự. Colline Đà Lạt có 20 trang giả mạo với hơn 50 khách bị lừa; Lasol Đà Lạt có 7 trang giả mạo, với hơn 40 khách bị lừa. Các điểm lưu trú đã đăng bài cảnh báo nhưng nhiều trang giả chạy quảng cáo dồn dập, khiến khách vẫn bị nhầm lẫn và bị lừa số tiền đặt phòng lên đến hàng chục triệu đồng.
Theo khảo sát của phóng viên VnExpress, chiêu thức của nhóm lừa đảo là lập nhiều tài khoản mạng xã hội ảo, đăng ảnh về nhà nghỉ, khách sạn, homestay rồi dùng số điện thoại và tài khoản ngân hàng khác để lừa khách chuyển tiền. Đặc điểm chung của trang lừa đảo là cung cấp giá phòng rẻ hơn 30-50% so với thị trường, kèm các ưu đãi và vị trí phòng thuận lợi. Các đối tượng sau đó tham gia các fanpage, hội nhóm liên quan tới du lịch để tìm kiếm người có nhu cầu, chủ động liên hệ, tư vấn nhiệt tình, gửi nhiều hình ảnh để lấy lòng tin và tiếp cận "con mồi''.
Ông Vương Tôn Kiên, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho rằng Festival hoa Đà Lạt đang đến gần, kẻ gian mạo danh doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đã đánh vào tâm lý sợ hết phòng để dụ nạn nhân chuyển tiền sớm. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng, ít để lại dấu vết, các máy chủ thường đặt ở nước ngoài.
Sở đang phối hợp với công an truy tìm nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, xử lý theo quy định pháp luật.
Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên khuyến cáo du khách cần kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ, đồng thời hạn chế chuyển tiền đặt cọc.
Ông Kiên cho biết Lâm Đồng đã thành lập tiểu ban an ninh để xử lý các hành vi tiêu cực, tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch dịp Festival hoa.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt Lê Anh Kiệt nói thêm du khách đặt phòng ngoài xác minh thông tin của công ty, cần tra cứu để xác thực tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế trước khi thực hiện giao dịch.
"Nếu muốn xác minh tài khoản, du khách có thể liên hệ đường dây nóng Đà Lạt theo số 0912.903.178 để được hỗ trợ", ông Ki��t nói.
"Các công ty hoặc đại lý du lịch hợp pháp sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, OTP, nhấp vào liên kết để cung cấp thông tin cá nhân, chi tiết tài khoản", travel blogger Việt Anh cho biết thêm.
Ngoài Đà Lạt, các điểm nóng du lịch như Nha Trang, Phan Thiết cũng xảy ra nhiều trường hợp khách bị lừa tiền khi đặt khách sạn qua các trang giả mạo. Giới chức ở các địa phương nhiều lần phát đi cảnh báo với du khách khi thực hiện các giao dịch đặt phòng qua mạng xã hội.
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 với chủ đề "Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu" sẽ diễn từ ngày 5 đến 31/12.
Tuấn Anh