Trung tâm Điều hành An toàn Đường bộ cho biết tổng cộng 211 vụ tai nạn được báo cáo hôm 11/4. Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, thư ký thường trực của Bộ Y tế Công cộng, cho biết số liệu này thấp hơn so với năm ngoái. Năm 2024, ngày đầu tiên của Songkran ghi nhận 241 vụ tai nạn khiến 29 người tử vong và 253 người bị thương.

Đường trơn trượt và các hành vi tham gia giao thông thiếu an toàn là nguyên nhân gây ra thương vong.
Lái xe quá tốc độ là nguyên nhân chính gây ra tai nạn, chiếm 41%. Một phần tư số vụ tai nạn liên quan đến việc tạt đầu xe khác và 23% liên quan đến việc lái xe khi say rượu. Tỉnh Mukdahan ghi nhận số vụ tai nạn cao nhất là 11 vụ và số người bị thương là 12, trong khi Bangkok có số người tử vong nhiều nhất là 5. Xe máy là nguyên nhân gây ra 84% tổng số vụ tai nạn, xe bán tải và ôtô con mỗi loại chiếm 5%. Các tuyến đường chính là nơi xảy ra một nửa tổng số vụ tai nạn, trong khi khoảng thời gian cao điểm tai nạn là từ 15h đến 18h trong ngày.
Số liệu do Cục Quản chế công bố cho thấy nhiều trường hợp lái xe khi say rượu được ghi nhận hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 276 tài xế đã bị bắt hôm 11/4, chiếm khoảng 85% tổng số vụ bắt giữ, tăng nhẹ so với con số 258 trong ngày đầu tiên của năm ngoái. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số vi phạm bị đưa đến sở cảnh sát. Sử dụng ma túy khi lái xe đứng thứ hai với 47 trường hợp, tiếp theo là ba trường hợp lái xe bất cẩn.

Một tuần lễ hội Songkran còn được gọi là 'bảy ngày chết chóc'.
Nonthaburi là nơi có nhiều tài xế say rượu nhất với 40 trường hợp, tiếp theo là Samut Prakan với 35 trường hợp và Kamphaeng Phet với 27 trường hợp.
Songkran thường được tổ chức vào ngày 13, 14 và 15/4 hàng năm nhưng kết hợp nghỉ bù thành 7 ngày. Bên cạnh những hoạt động vui chơi, giải trí sôi động, lễ Songkran còn thường được gắn với tên gọi "bảy ngày nguy hiểm" hay "bảy ngày chết chóc" vì số lượng người chết và bị thương tăng đột biến do tai nạn giao thông. Năm 2024, 287 trường hợp tử vong và 2.060 người bị thương do tai nạn giao thông trong tuần lễ Songkran từ ngày 11 đến ngày 17/4. Nguyên nhân chính gây ra thương vong là không đội mũ bảo hiểm, sử dụng đồ có cồn hay hành vi quá khích trên đường trơn trượt.
Để giảm tình trạng này, hàng năm, cảnh sát giao thông Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp như lập các chốt kiểm soát, nhắc nhở người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm, tuân thủ luật, đi đúng tốc độ, không dùng chất kích thích và rượu bia khi lái xe. Du khách tham gia Songkran được yêu cầu không sử dụng súng nước áp suất cao, bột mì, cấm ăn mặc hở hang hoặc khỏa thân.
Hà Nguyên (Theo Bangkok Post)