Kinh nghiệm thanh toán khi du lịch tự túc ở Trung Quốc

Trung Quốc nhiều cảnh đẹp và trải nghiệm thú vị, nhưng bất tiện về thanh toán và ngôn ngữ luôn là rào cản với khách Việt khi muốn du lịch tự túc đến quốc gia này. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ những năm qua, các những cản trở nói trên đang dần được giải quyết. Dưới đây là cách thanh toán thuận tiện cho du khách Việt do phóng viên VnExpress trải nghiệm, chia sẻ.

Tải ứng dụng thanh toán phổ biến

Alipay và Wechat được dùng để thanh toán phổ biến ở Trung Quốc hiện nay và là ứng dụng nên dùng khi đi du lịch. Thanh toán bằng hai ứng dụng này phổ biến từ nhà hàng đến các khu chợ bình dân.

Ứng dụng Alipay (bên phải) và WeChat xuất hiện ở mọi nơi. Ảnh: Linh Hương

Mã thanh toán Alipay (phải) và WeChat xuất hiện ở mọi nơi. Ảnh: Linh Hương

Alipay cho phép người dùng chuyển tiền không cần tài khoản ngân hàng nội địa, thanh toán hóa đơn, mua vé phương tiện giao thông công cộng và nhiều dịch vụ tiện ích khác. Alipay có nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh và tiếng Việt.

Alipay có thể đăng ký sử dụng và kích hoạt từ Việt Nam, thông qua hộ chiếu và thẻ tín dụng (credit và debit), không cần số điện thoại và mã định danh Trung Quốc. Người dùng có thể chuyển tiền vào tài khoản Alipay để chi tiêu ở Trung Quốc hoặc thanh toán trực tiếp từ thẻ tín dụng liên kết (có thể thay đổi hai nguồn tiền). Du khách khi tới Trung Quốc sẽ tiêu tiền trên Alipay thông qua hình thức quét mã QR và nhập PIN.

WeChat là ứng dụng nhắn tin phổ biến, cho phép gọi thoại, gửi hình ảnh, video, chơi game, chuyển tiền và thanh toán các giao dịch. Tuy nhiên, hạn chế của Wechat là phải có số điện thoại tại Trung Quốc, mã định danh của người dùng (tương tự như mã số định danh trên CCCD ở Việt Nam) và tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc để kích hoạt khi đăng ký.

Khi đi du lịch tự túc, nhiều du khách Việt chủ yếu mua sim data, không có số điện thoại nên thường không đăng ký được WeChat. Ứng dụng cũng cần có người mời (invite) mới có thể sử dụng được.

Tiền mặt được chấp nhận

Tiền mặt vẫn được sử dụng nhưng không rộng rãi tại Trung Quốc. Các nhà hàng, trung tâm thương mại ở điểm du lịch đều chấp nhận tiền mặt và trả lại tiền thừa cho du khách.

Tuy nhiên, tại các khu chợ địa phương, các điểm du lịch đông khách hay khi số tiền thừa nhỏ 1-3 tệ (khoảng 3.500 đồng đến 10.500 đồng), du khách có thể sẽ không nhận được tiền thừa. Tại một số nơi, nếu bạn tiêu tiền mặt, họ không có tiền trả lại sẽ trả vào Alipay (nếu bạn cài ứng dụng này).

Trong trường hợp du khách đi lại bằng phương tiện công cộng, hãy đổi nhiều tiền lẻ, tốt nhất là đồng 1, 2 và 5 RMB (nhân dân tệ). Giá vé các phương tiện công cộng ở Trung Quốc dao động từ 2 đến 5 RMB (7.000 đến 17.500 đồng). Trên các chuyến xe buýt chỉ có tài xế, không có phụ lái nên không thuận tiện khi du khách cần trả lại tiền.

Thẻ tín dụng không phổ biến

Trong thanh toán hàng ngày, người Trung Quốc không dùng thẻ tín dụng. Nếu du khách giao dịch qua mạng, một số website Trung Quốc như hãng hàng không, tàu cao tốc, các trang thương mại điện tử, thẻ Visa, Master hay JCB được chấp nhận.

Khi giao dịch trực tiếp, nhiều nơi không có máy quẹt thẻ, và không phải máy nào cũng chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế. Thông thường, chỉ có thẻ Union Pay có thể giao dịch với tỷ lệ thành công cao nhất.

Linh Hương