Nhật Bản muốn đưa tắm onsen thành di sản UNESCO

Onsen là truyền thống tắm suối nước nóng tự nhiên tồn tại qua nhiều thế kỷ ở Nhật Bản. Shinji Hirai, thống đốc tỉnh Tottori, người đứng đầu nhóm vận động đưa onsen trở thành di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, cho biết loại hình này xứng đáng được công nhận tương đương với nghệ thuật làm rượu sake và shochu, hai loại rượu truyền thống của Nhật Bản vừa được UNESCO vinh danh vào tháng 12.

Suối nước nóng - onsen được hình thành từ những mạch nước ngầm gần khu vực núi lửa đã ngừng hoặc vẫn đang hoạt động. Tắm suối nước nóng là trải nghiệm không thể thiếu cho du khách đến Nhật Bản. Đối với người bản địa, tắm onsen không chỉ vệ sinh thân thể mà còn là văn hóa, là nghi thức thanh lọc tâm hồn, phương pháp chữa bệnh và chăm sóc cơ thể.

Khu tắm suối nóng ở Nhật Bản vào mùa đông. Ảnh: kiniseko

Khu tắm suối nóng ở Nhật Bản vào mùa đông. Ảnh: kiniseko

Nhóm vận động đưa onsen trở thành di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO được thành lập vào tháng 11/2022, đại diện cho 44 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản. Nhóm dự kiến hoàn thiện một khảo sát vào tháng 3 tới về thực trạng các khu vực suối nước nóng trên toàn đất nước và đánh giá mức độ bảo vệ các địa điểm theo tiêu chuẩn trở thành di sản văn hóa. Báo cáo này sẽ được trình lên chính phủ, với kỳ vọng góp phần phát triển các khu du lịch onsen trên cả nước.

Theo nhóm vận động, onsen không chỉ là hoạt động thư giãn mà còn là phong cách sống đậm chất Nhật Bản, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân. Nhật Bản hiện có khoảng 3.000 khu nghỉ dưỡng suối nước nóng, được người bản địa xem là món quà từ thiên nhiên.

Trong quá khứ, người Nhật thường lưu lại các khu onsen ít nhất một tuần, thậm chí lâu hơn, để tắm nhiều lần trong ngày như một phương pháp trị liệu các bệnh.

Ngày nay, các chuyến đi onsen để phục hồi sức khỏe vẫn phổ biến, nhưng đa số chỉ dành một hoặc hai ngày để ngâm mình trong làn nước khoáng thiên nhiên, bởi không nhiều người có đủ thời gian cho một tuần nghỉ dưỡng trong suối nước nóng giữa nhịp sống hiện đại.

Một nghiên cứu khác của tổ chức Rinnai sau khảo sát toàn quốc với 50 người ở mỗi tỉnh tại Nhật Bản cho thấy 53% người dân tắm bồn mỗi ngày vào mùa đông, trung bình 5-24 phút.

Nỗ lực đưa onsen thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới được tạo đà từ khi UNESCO công nhận văn hóa xông hơi của Phần Lan vào năm 2020. Xông hơi được giới thiệu là một phần không thể thiếu trong đời sống của đa số người dân Phần Lan.

Nhật Bản đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, quy trình sản xuất rượu sake truyền thống trở thành di sản thứ 23 của nước này vào cuối năm 2024.

Bích Phương (Theo SCMP)