Theo Chosun, nhóm MonaSea của Australia đã tiến hành một nghiên cứu để xác định mức độ ảnh hưởng từ việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến đến quá trình lão hóa. Dữ liệu được phân tích dựa trên 16.055 người Mỹ trưởng thành từ 20 đến 79 tuổi, thực hiện từ năm 2003 đến năm 2010.
Nhóm nghiên cứu chia những người tham gia thành 5 cấp độ dựa trên tỷ lệ thực phẩm chế biến sẵn trong tổng lượng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày. Nhóm đầu tiên tiêu thụ ít thực phẩm siêu chế biến nhất là 0 - 39,1%, tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến trung bình của nhóm này là 30,0%.
Nhóm 5 tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn nhất, dao động từ 67,7 đến 100%, tỷ lệ trung bình của nhóm này là 76,7%.
Nghiên cứu đã sử dụng PhenoAge làm thước đo tính tuổi sinh học của những người tham gia. PhenoAge là một khái niệm đo tuổi sinh học dựa trên chức năng gan và thận, sử dụng dấu ấn sinh học dựa trên máu.
Kết quả phân tích cho thấy những người thuộc nhóm thứ 5 trông già hơn tuổi thật khoảng 0,86 tuổi so với những người thuộc nhóm thứ nhất. Kết quả tính toán đã xác nhận rằng bất cứ khi nào thực phẩm chế biến sẵn chiếm 10% lượng thực phẩm ăn vào, tuổi sinh học sẽ lớn hơn 2,4 tháng so với tuổi thực.
Thực phẩm siêu chế biến đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và thậm chí tử vong. Theo kết quả phân tích bổ sung của nhóm nghiên cứu, giả sử một người tiêu thụ 2.000 kcal mỗi ngày, nếu họ tiêu thụ thêm 200 kcal thực phẩm siêu chế biến, nguy cơ tử vong tăng 2% và nguy cơ mắc bệnh mãn tính tăng 2%.
Theo nhóm nghiên cứu, những kết quả này xảy ra do cơ thể hấp thụ không đủ các chất chống oxy hóa như flavonoid trong trái cây và rau quả. Kết quả của nghiên cứu này cũng đã được công bố trên tạp chí Age & Aging.
Duk Sun