Chùa Thanh Mai - Hải Dương
Chùa Thanh Mai được xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Thanh Mai, hay còn gọi là núi Tam Ban (nghĩa là ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang-Hải Dương-Quảng Ninh, thuộc cánh cung Đông Triều), cao khoảng 200m, nay thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh. Chùa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa tôn giả vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Về Thanh Mai vào dịp mùa xuân giữa chốn thâm nghiêm bừng lên một màu xanh tươi non đầy sức sống của rừng cây trên núi Tam Ban đang đâm chồi nảy lộc, khiến trong lòng mỗi du khách càng thêm phấn chấn, náo nức. Con đường lên chùa Thanh Mai được trải thảm bê tông ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa những vạt rừng thông, rừng phong, dưới tán cây cây vang tiếng chim hót rộn ràng, khiến cho du khách quên hết mệt nhọc. Ngôi cổ tự nằm lưng chừng núi, bao bọc xung quanh bởi rừng phong và nhiều loại cây cổ thụ khác, với những gốc cây to sừng sững, khiến cảnh sắc của ngôi chùa càng thêm trầm mặc, cổ kính, uy linh.
Có dịp đến thăm chùa Thanh Mai, bạn sẽ được chiêm ngưỡng gốc cây phong cổ thụ 2 - 3 người ôm. Những cây phong có kích thước nhỏ hơn mọc rất nhiều và chỉ mọc trên núi Tam Ban cũng như sườn nam chùa Thanh Mai tọa lạc, trong khi các ngọn núi khác gần đó không hề có. Rừng phong chỉ có ở xứ lạnh, nhưng thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp này. Lá đổi màu theo mùa. Lá phong xanh xum xuê vào mùa hạ và ngả dần màu vàng, đỏ thẫm rồi rụng xuống vào mùa đông. Mặc dù lá phong ở đây không đồng loạt đỏ rực như thường thấy ở phương Tây mà chỉ lác đác biến sắc rồi rụng.
Chùa Ba Vàng - Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) nằm trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa tọa lạc trên một vị trí rất đẹp ở độ cao 340m, phía trước là sông dài, phía sau tựa lưng vào núi và hai bên là rừng thông trải dài xanh ngát.
Đến Chùa Ba Vàng là đến với vùng đất Phật linh thiêng, huyền bí được xây dựng ở vị trí có đầy đủ các yếu tố sông dài nằm phía trước, đằng sau là núi cao, hai bên là Thanh Long, Bạch Hổ - một mỹ cảnh làm đắm say lòng người.
Trong thời gian vừa qua mặc dù ngôi chùa có không ít tai tiếng liên quan tới việc lợi dụng sự tin tưởng và đức tin của người dân về việc thỉnh vong, giải nghiệp nhằm bòn rút túi tiền của nhiều người, hay những phát ngôn gây ồn ào của các phật tử trong chùa. Thế nhưng không thể phủ nhận được đây là một ngôi chùa linh thiêng được nhiều tín đồ Phật Giáo lui tới dâng hương và tham quan trong dịp đầu năm mới.
Yên Tử - Quảng Ninh
Yên Tử không phải là một ngôi chùa mà là một quần thể di tích mang tính lịch sử và tâm linh hàng đầu Châu Á. Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử phân bố ở địa bàn 03 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng,…trải dài khắp 3 tỉnh, tạo nên những di sản đặc biệt về tín ngưỡng và tâm linh cho những thế hệ sau.
Yên Tử vốn nổi tiếng với phong cảnh rừng núi hùng vĩ, là vùng đất Phật linh thiêng, giản dị, hàng năm thu hút hàng ngàn phật tử tới chiêm bái. Qua thời gian, khu di tích đã có nhiều đổi thay, nhưng vẫn giữ được nét kỳ vĩ, hoang sơ vốn có của nó.
Vào dịp đầu năm, Lễ hội xuân Yên Tử lại được tổ chức, thu hút hàng trăm ngàn các du khách và phật tử đổ về dâng dương, cầu an.
Chùa Hương - Hà Nội
Cách trung tâm thủ đô thành phố Hà Nội 62km về phía tây nam ,thuộc địa bàn xã Hương Sơn- huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội .Hương Sơn đựợc biết đến với địa danh nổi tiếng về di tích lịch sử ,văn hóa và danh thắng .Hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế tới thăm quan chiêm bái.
Cứ độ tháng 3 và tháng 4 hàng năm dọc hai bên suối Yến và trên chùa Thiên Trù Chùa Hương, hoa gạo lại nở bung sắc đỏ khiến nhiều du khách thích thú và ngẩn ngơ.
Chùa Bái Đính - Ninh Bình
Chùa Bái Đính là một trong những điểm đến nổi tiếng khác mà hầu như các tín đồ Phật Tử toàn quốc đều biết đến. Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ, và hệ thống chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa thung lũng bao quanh là hệ thống hồ, núi. Hệ thống chùa mới mặc dù có quy mô lớn và đồ sộ hơn rất nhiều so với khu chùa cũ, nhưng vẫn duy trì nét đặc trưng trong kiến trúc chùa chiền cổ, tạo nên nét hài hòa giữa kiến trúc cổ xưa và hiện đại.
Đây cũng là ngôi chùa nắm giữ rất nhiều kỷ lục lớn của Châu Á và Việt Nam như: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Bảo Tháp cao nhất châu Á, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam,…
Chùa Bái Đính không chỉ là địa điểm dâng hương, lễ Phật của các tín đồ Phật Giáo, mà còn là một trung tâm Phật giáo, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị lớn như: Đại lễ Vesak, Nơi ghé thăm của các đại diện chính trị lớn trên thế giới, Đại lễ Phật đản thế giới,…
Vào đầu xuân hàng năm, người dân khắp nơi đổ về chùa Bái Đính dâng hương và tham dự lễ hội. Lễ hội chùa Bái Đính bao gồm phần lễ, với các nghi thức dâng hương, dâng lễ thành, cầu khấn, chiêm bái,… và phần hội, là không gian truyền thống với các trò chơi dân gian, buổi biểu diễn nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô, các chuyến tham quan,…
Chùa Tam Chúc - Hà Nam
Tọa lạc ở thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km. Cách thành phố Phủ Lý, Hà Nam khoảng 12km, cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4,5km và cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) khoảng 30km.
Cùng với Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) và Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Tam Chúc đã hình thành nên một trục du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam nối liền 4 tỉnh: Hà Nội – Hà Nam – Hòa Bình – Ninh Bình với nhiều trải nghiệm thú vị dành cho du khách du xuân đầu năm