Bí ngòi thuộc họ Cucurbitaceae. Nó được phân biệt bởi hình dạng thuôn dài, thịt mềm và thường có vỏ màu xanh lá cây. Chuyên gia dinh dưỡng Gauri Anand cho biết: "Loại rau này phổ biến trong các món ăn do hương vị nhẹ và dễ chế biến theo nhiều phương pháp". Cho dù nướng, xào hay xoắn thành mì, bí ngòi là món bổ sung lành mạnh cho bữa ăn. Tuy vậy, bí ngòi cũng có một số tác dụng phụ dưới đây.
1. Khó tiêu
Chất xơ trong bí ngòi giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh, thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, việc tăng nhanh lượng chất xơ, đặc biệt từ bí ngòi, có thể dẫn đến khó chịu ở ruột. Khi tiêu thụ quá nhiều, chất xơ có thể lên men trong ruột, tạo ra khí và gây đầy hơi. Ngoài ra, nó có thể đẩy nhanh quá trình di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa, dễ dẫn đến tiêu chảy. Để giảm thiểu những tác dụng phụ này, bạn nên tăng dần lượng chất xơ và kết hợp bí ngòi với các loại thực phẩm khác để cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống.
2. Phản ứng dị ứng
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng, một số ít người bị dị ứng với bí ngòi, khiến nó gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Những dị ứng này, mặc dù không phổ biến, có thể biểu hiện theo nhiều cách. Phản ứng trên da, chẳng hạn như nổi mề đay hoặc bệnh chàm, dễ gặp nhất và thường kèm theo ngứa. Ngoài ra, phản ứng dị ứng có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, nôn và đau dạ dày.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, phản ứng dị ứng với bí ngòi có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn được gọi là phản vệ, đặc trưng bởi khó thở, sưng cổ họng và tụt huyết áp. Nếu bạn cảm thấy mình bị dị ứng với bí ngòi, nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
3. Rối loạn tiêu hóa
Hợp chất tự nhiên cucurbitacin trong bí ngòi đôi khi có thể mang lại vị đắng, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients. Mặc dù một lượng nhỏ cucurbitacin thường vô hại, việc tiêu thụ bí ngòi mang vị đắng rõ rệt có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân do cucurbitacin có thể kích ứng đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu bạn thấy một quả bí ngòi có vị đắng, tốt nhất nên vứt bỏ nó.
4. Hội chứng dị ứng đường miệng
Hội chứng dị ứng đường miệng (OAS), hay hội chứng dị ứng phấn hoa-thực phẩm, xảy ra khi một người phản ứng dị ứng với một số loại trái cây, rau và hạt sống, theo Tạp chí Dị ứng và Mũi của Mỹ. Đây cũng là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của bí ngòi. Điều này xảy ra do phản ứng chéo, trong đó hệ thống miễn dịch nhận dạng nhầm protein của một số loại thực phẩm là chất gây dị ứng. Khi những người bị dị ứng phấn hoa ăn thực phẩm sống như bí ngòi, hệ thống miễn dịch có thể phản ứng, dẫn đến phản ứng dị ứng tại chỗ. Các triệu chứng của OAS bao gồm ngứa, ngứa ran hoặc sưng môi, miệng và cổ họng.
Trong một số trường hợp, các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khó ăn hoặc khó thở, có thể phát triển. Mặc dù OAS thường ở mức độ vừa phải và tự khỏi, nó có thể gây đau đớn và hạn chế các lựa chọn thực phẩm.
5. Tương tác dinh dưỡng
Tiêu thụ quá nhiều bí ngòi có thể dẫn đến tác dụng phụ vì nó cản trở quá trình hấp thụ một số khoáng chất thiết yếu như sắt - thành phần quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy và sản xuất hồng cầu. Theo đó, bí ngòi chứa các hợp chất gọi là phytate, có thể liên kết với sắt trong đường tiêu hóa, làm giảm quá trình hấp thụ sắt.
Tương tự, bí ngòi cũng có thể cản trở quá trình hấp thụ kẽm, một khoáng chất quan trọng khác tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể. Để tối ưu hóa quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu sắt và kẽm như thịt, gia cầm, cá, các loại đậu và ngũ cốc tăng cường.
Chế biến bí ngòi thế nào?
- Bí ngòi càng ít chế biến càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng. Hãy chọn bí ngòi tươi, hữu cơ bất cứ khi nào có thể.
- Hấp và nướng là những phương pháp tuyệt vời để bảo quản chất dinh dưỡng của bí ngòi. Những phương pháp này giảm thiểu mất chất dinh dưỡng so với luộc hoặc chiên.
- Kết hợp bí ngòi với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác để tạo ra một bữa ăn cân bằng. Ví dụ, kết hợp nó với các nguồn protein nạc như gà hoặc cá nướng, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh như dầu ô liu hoặc bơ.
- Thử nghiệm các phương pháp nấu ăn và công thức nấu ăn khác nhau để thêm sự đa dạng vào bữa ăn. Điều này có thể giúp ngăn ngừa sự nhàm chán và đảm bảo bạn nhận được nhiều chất dinh dưỡng.
Hướng Dương (Theo Healthshots)