Trong thảm họa máy bay Jeju Air ngày 29/12, hai thành viên phi hành đoàn sống sót được xác định là anh Lee (33 tuổi) và cô Koo (25 tuổi). Anh Lee gãy xương vai trái và chấn thương đầu nhưng vẫn khá tỉnh táo. Anh đã được chuyển đến Bệnh viện Đại học Ewha tại Seoul theo yêu cầu của gia đình. Anh Lee nhớ lại: "Tôi đã thắt dây an toàn khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Tôi không nhớ bất cứ điều gì sau đó". Cô Koo cũng được xác nhận là không có nguy hiểm đến tính mạng. Cô cho biết sau khi khói phát ra từ động cơ, có một tiếng nổ lớn.
Hai tiếp viên này được phân công phục vụ hành khách ở phía sau máy bay và ngồi trên ghế jump seat (ghế dành cho tiếp viên hàng không) gần khu vực cửa thoát hiểm khi máy bay gặp nạn. Vị trí ngồi có thể đã cứu sống họ trong tai nạn kinh hoàng, khiến 179 người thiệt mạng. Khi xảy ra va chạm, phần đuôi máy bay bị văng ra ngoài và không bị nhấn chìm trong biển lửa.
Nơi tiếp viên ngồi nằm trong galley, còn được gọi là khu vực bếp để chuẩn bị đồ ăn, đồ uống cho hành khách. Số lượng và vị trí galley có thể khác nhau tùy vào loại máy bay và mức độ dịch vụ. Galley có thể nằm ở phía trước máy bay hoặc phía sau. Khu vực này gồm có nhiều thiết bị như lò nướng, tủ lạnh, máy pha cà phê. Thuật ngữ "galley" xuất phát từ những con tàu dài, phẳng được người Hy Lạp và La Mã cổ đại sử dụng, chúng cũng có khu vực nấu nướng chuyên dụng. Thông thường, hành khách sẽ ít nhìn thấy khu galley vì nằm ở vị trí khuất và thường có màn che, đồng thời cũng thuộc hạng mục "không phận sự miễn vào".
Theo thiết kế của máy bay Boeing 737-800, loại máy bay của chuyến 7C 2216 Jeju Air, khu vực galley nằm ở phía sau máy bay. Trong một số video giới thiệu chiếc Boeing 737-800 trên TikTok, ghế ngồi của tiếp viên nằm sát cửa thoát hiểm và được chắn bởi tủ đồ và tấm ngăn với khoang hành khách. Thiết kế đặc biệt này có thể giúp hai tiếp viên giảm được tác động khi máy bay Jeju Air bốc cháy.
Giáo sư Choi Ki-young ngành Khoa học hàng không vũ trụ tại Đại học Inha, cho biết: "Tác động của máy bay tập trung ở phía trước nên tiếp viên hàng không ngồi ở phía đuôi, nơi chịu ít tác động hơn, có thể sống sót". Đây có thể là lý do khiến hai người sống sót thần kỳ. Ngoài ra, dây an toàn dành cho tiếp viên cũng được thiết kế đặc biệt, giúp cố định cơ thể chắc chắn hơn, cũng có thể là nguyên nhân giúp giảm thương vong.
Bên cạnh đó, khu vực cuối máy bay, nơi hai tiếp viên ngồi, cũng có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong các thống kê tai nạn. Công bố của tạp chí Time dựa trên dữ liệu của chính phủ Mỹ năm 2015 sau khi đánh giá 17 vụ tai nạn hàng không từ năm 1985 đến 2000, gồm số người tử vong và sống sót cùng sơ đồ chỗ ngồi.
Nếu chia máy bay làm ba phần đầu, giữa và cuối thì những ghế thuộc phần cuối có tỷ lệ tử vong 32%, trong đó, ghế giữa ở khu vực cuối có tỷ lệ tử vong thấp nhất, 28%. Tỷ lệ tử vong của các hàng ghế nằm giữa thân máy bay là 39% và ở phần trước là 38%. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thương vong cao nhất nằm ở hàng ghế cạnh lối đi ở phần giữa máy bay, với 44% gặp nạn.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, thống kê này chỉ mang tính chất tương đối và không có ghế nào là an toàn tuyệt đối bởi các vụ tai nạn hàng không xảy ra theo các tình huống rất khác nhau.
Xuất hiện trên Chương trình tin tức của Kim Hyun-jung đài CBS vào sáng ngày 30/12, Kim In-gyu, giám đốc Trung tâm Huấn luyện Bay của Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, cho biết: "Thật khó để đánh giá chỗ ngồi nào an toàn, chỗ ngồi nào không". Giám đốc Kim lấy vụ tai nạn hạ cánh của Asiana Airlines xảy ra tại Sân bay Quốc tế San Francisco vào năm 2013 khiến hai người chết và 181 người bị thương làm ví dụ: "Khi đó phía sau của thân máy bay rơi xuống đất nên ba hành khách ngồi ở đuôi máy bay bị văng ra ngoài và tử vong".
Bài viết của tờ Edaily Hàn Quốc kết luận khả năng sống sót trong một vụ tai nạn máy bay là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm nguyên nhân vụ tai nạn và thiết kế của máy bay cũng như vị trí chỗ ngồi.
Hà Nguyên (Theo Chosun, Edaily)