Long An tìm cách khai thác du lịch nông thôn

Ngày 28/11, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị "Thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Long An". Một trong chuỗi hoạt động của Tuần văn hóa - thể thao - du lịch Long An lần thứ 2 diễn ra từ 28/11 đến 4/12.

Tại hội nghị các chuyên gia đánh giá, Long An là vùng đất có nhiều cảnh quan sinh thái tự nhiên đa dạng, mang tính đặc thù như hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười, hệ sinh thái từ Sông Vàm Cỏ. Du lịch nông thôn tại đây bao gồm ba loại hình chính: du lịch di sản – văn hóa, du lịch ẩm thực và du lịch làng nghề truyền thống.

Một gia đình làm bánh tét tại Đức Hoà. Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Long An.

Một gia đình làm bánh tét tại Đức Hoà. Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Long An.

Long An hiện có các điểm tham quan di sản văn hóa tiêu biểu như lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (TP Tân An); chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc); di tích Nhà Trăm Cột (Cần Đước); khu di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng). Địa phương cũng có nhiều món ăn truyền thống như bún Xiêm Lo Mộc Hóa; canh chua cá chốt ở Đồng Tháp Mười, mắm còng Cần Giuộc; rượu đế Gò Đen...

Các làng nghề truyền thống như làng trống Bình An ( huyện Tân Trụ), làng nghề truyền thống chằm nón lá An Hiệp (huyện Đức Hòa); làng nghề truyền thống Đan cần xé (huyện Đức Hòa); làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (TP Tân An); làng nghề dệt chiếu Long Cang (huyện Cần Đước)... vẫn thu hút du khách tìm đến tham quan.

Đặc biệt địa phương có nhiều nông sản chủ lực nổi tiếng với diện tích lớn nhất vùng ĐBSCL như thanh long, khoai mỡ Thạnh Hóa, khóm Bến Lức, gạo Nàng thơm Chợ Đào, Cần Đước. Toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-4 sao.

Tuy nhiên, theo đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, bên cạnh một số mô hình bước đầu khá thành công như khu du lịch sinh thái Chavi Garden (Bến Lức), hiện du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết các mô hình, sản phẩm du lịch đồng nông thôn vẫn tiềm năng chưa phát triển đồng bộ.

Chia sẻ tại hội nghị, TS Lê Hồng Vương, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến nhận định, Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như sát TP HCM, hệ thống đường giao thông phát triển. Song đây cũng là bất lợi khu nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp tập trung về TP HCM.

"Tỉnh cần có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút được nhóm nhân lực này, đồng thời quan tâm đào tạo đội ngũ làm du lịch hiện có", ông Vương nói.

Du lịch làng nổi Tân Lập, Mộc Hoá. Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Long An

Du lịch làng nổi Tân Lập, Mộc Hoá. Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Long An

Ước tính, trong gần 2.000 người tham gia du lịch trực tiếp lẫn gián tiếp ở địa phương, có trên 100 người có trình độ đại học, hơn 370 người có trình độ cao đẳng và trung cấp và gần 600 người được đào tạo sơ cấp. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của người làm du lịch hiện còn đang hạn chế, phải giao tiếp thông qua hướng dẫn viên cũng là vấn đề cần quan tâm đào tạo thời gian tới.

Quan tâm đến phát triển làng nghề, TS Nguyễn Phúc Hùng, Đại học Hùng Vương đánh giá làng nghề tại Long An tập trung từ 20 đến 50 hộ, cảnh quan làng quê đẹp, thanh bình sẽ tiếp tục là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ông dẫn chứng từ làng làm trống Bình An và làng dệt chiếu Long An mỗi năm tăng khoảng hơn 1.000 lượt du khách, doanh thu vì thế cũng tăng mỗi năm từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng.

"Địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi, vốn vay hỗ trợ và hướng dẫn phát triển nông sản kết hợp du lịch", ông Hùng đề xuất.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan đến phát triển du lịch và sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm du lịch nói chung cần được đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia.

"Nên đẩy mạnh sản xuất nội dung số hóa, cần tận dụng mạng xã hội để tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với đông đảo người dùng trong và ngoài nước", TS Hùng gợi ý.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo ông Hòa, năm nay tỉnh ước đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong đó, sự kiện tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 ước đón khoảng 1 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng.

Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch. Long An sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Mục tiêu của tỉnh là từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TP HCM cũng như vùng ĐBSCL.

Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Long An lần thứ 2 diễn ra từ 28/11 đến 4/12 với chủ đề "Long An - Khát vọng sông Vàm". Các hoạt động chính của tuần lễ du lịch gồm: chương trình biểu diễn 650 drone mô phỏng các hình ảnh đặc trưng của Long An; giải đua xuồng ba lá trên sông Bảo Định với gần 20 đội từ các địa phương, tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia.

Du khách sẽ được tham gia lễ hội âm nhạc, thương mại ẩm thực Long An - Hàn Quốc, giao lưu trải nghiệm tại các điểm du lịch đặc trưng của tỉnh như khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu du lịch Cánh đồng bất tận - Dược liệu Đồng Tháp Mười, Happyland, Chavi Garden, Vàm Cỏ Farmstay, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Vườn thú Mỹ Quỳnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức cuộc thi Tỏa sáng tài năng học sinh, sinh viên; Giải việt dã quy tụ hơn 3.000 vận động viên tham gia; Giải vô địch thể hình, biểu diễn võ thuật; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong tuần du lịch.

Nam An