Thăm Nhà thờ Đức Bà Paris trước khi mở cửa

Ngày 21/11, National Geographic công bố các bức ảnh độc quyền bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris, khi nơi này đang được tu sửa để chuẩn bị đón khách vào cuối năm. Hàng trăm nghìn nhà tài trợ từ 150 quốc gia đã quyên góp hơn 840 triệu USD để phục hồi nhà thờ.

18h50 ngày 15/4/2019, ngày Thứ Hai Tuần Thánh và 6 ngày trước Lễ Phục Sinh, ngọn lửa bùng phát dữ dội từ mái vòm và suýt thiêu rụi nhà thờ gần 900 tuổi. Đám cháy được khống chế khi lan tới tháp chuông phía bắc. Mái vòm và tháp nhà thờ bị đổ sập, khung gỗ bị phá hủy.

Một công nhân đang đổ đồng nóng chảy vào khuôn tại Barthélémy Art, xưởng đúc ở Thung lũng Rhône, nơi đúc ra bàn thờ mới lắp trong nhà thờ Đức Bà. Ảnh: NatGeo

Một công nhân đang đổ đồng nóng chảy vào khuôn tại Barthélémy Art, xưởng đúc ở Thung lũng Rhône, nơi đúc ra bàn thờ mới lắp trong nhà thờ Đức Bà. Ảnh: NatGeo

Sau hơn 5 năm trùng tu, Nhà thờ Đức Bà hồi sinh. Đầu tháng 12, Tổng giám mục Paris dự kiến cử hành thánh lễ trong nhà thờ. Cũng trong tuần đó, những cánh cửa lớn của nhà thờ sẽ rộng mở để đón công chúng ghé thăm.

Các bức ảnh trùng tu nhà thờ được chụp trong nhiều năm, bắt đầu từ mùa hè 2021, khi công cuộc trùng tu chuẩn bị bắt đầu. Mùa hè 2023, nhiếp ảnh gia Robert Kunzig quay lại lần nữa để tiếp tục chụp các công nhân, kỹ sư sửa chữa bên trong cũng như tìm kiểu kế hoạch của các tu sĩ đối với nhà thờ.

Kunzig cho biết đánh giá cao những nỗ lực to lớn hàng nghìn người bỏ ra, không chỉ bảo tồn di tích có từ thời trung cổ này, mà còn để hồi sinh nhà thờ như trước đây.

Bên trái là cây thánh giá đã được bao phủ tránh bụi trong quá trình trùng tu nhà thờ. Đây cũng là một trong những món đồ trang trí còn sót lại sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: NatGeo

Bên trái là cây Thánh giá đã được bao phủ tránh bụi trong quá trình trùng tu nhà thờ. Đây cũng là một trong những hiện vật còn sót lại sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: NatGeo

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ban sắc lệnh "nhà thờ phải được phục hồi đẹp hơn bao giờ hết". Ông đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là hoàn thành công trình vào 2024.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Nhà thờ Đức Bà đã được xây dựng lại chính xác những gì vốn có trước vụ hỏa hoạn, như Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc, người tiên phong trong lĩnh vực trùng tu, khởi xướng vào thế kỷ XIX. "Chúng tôi không có quyền chạm vào nó, chúng tôi đang trùng tu nó cũng như không để lại dấu vết nào về hành trình (tu sửa) của mình", Philippe Villeneuve, kiến trúc sư trưởng phụ trách tu sửa, nói.

Theo Kunzig, bên trong nhà thờ sẽ sáng sủa hơn trước vì các bức tường, kính màu, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc đều được làm sạch và phục hồi cùng lúc. Đây là lần làm sạch đầu tiên kể từ thế kỷ XIX.

Philippe Jost, người chịu trách nhiệm giám sát quá trình trùng tu, cho biết du khách sẽ vô cùng kinh ngạc trước nội thất mới của nhà thờ. "Nó sẽ là một cú sốc", Jost nói. Nhà thờ cũng có thêm 1.500 ghế mới làm bằng gỗ sồi nguyên khối và gần 1.600 đèn led chiếu sáng.

Chính phủ Pháp quản lý nhà thờ và coi đây là di tích lịch sử cần được bảo vệ. Tuy nhiên, đồ đạc bên trong, vốn bị hư hại nặng vì hỏa hoạn, phần lớn không thuộc về di tích lịch sử và chính quyền. Chúng thuộc về giáo phận Công giáo La Mã Paris nên đã được giáo hội trang trí lại toàn bộ.

Gian giữa của Nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu. Ảnh: NatGeo

Gian giữa của Nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu. Ảnh: NatGeo

Hè 2023, khi Kunzig bước vào gian giữa của nhà thờ, anh vẫn chưa cảm nhận được hết vẻ đẹp của nơi này. Bên trong vẫn là một công trường xây dựng, công nhân đang tháo dỡ giàn giáo, kéo dây cáp điện, đánh bóng sàn đá cẩm thạch.

Nhiếp ảnh gia tiến sâu hơn vào nhà thờ, băng qua gian ngang để đi vào khu vực dàn hợp xướng phía đông. Trong các nhà nguyện bên cạnh, nhiều bức tường đã được tân trang lộng lẫy. Bên ngoài một nhà nguyện, người phục chế đang quỳ trên đá, dùng cọ nhỏ để quét những mảng màu hồng lên một cột hình cỏ ba lá. Trong không gian nhỏ hẹp này, khoảng 2.000 công nhân tới làm việc trong suốt dự án. "Mọi người đều vui vẻ và tự hào khi được làm việc tại Nhà thờ Đức Bà Paris", Jost nói.

Kunzig tiếp tục bước vào thang máy để lên khu vực mái vòm của trần nhà - nơi công chúng không thể tiếp cận. Đây cũng là khu vực bị hủy hoại nặng nhất trong vụ cháy năm 2019 và cũng là nơi tập trung phần lớn nhân lực thực hiện bảo trì trong 5 năm qua. Kunzig ngửi thấy mùi gỗ tươi thoang thoảng từ những thanh dầm gỗ sồi và cầu thang xoắn ốc của ngọn tháp mới.

Để tái tạo lại mái vòm vốn được xây từ thời trung cổ, những người thợ đã dựa vào các kỹ thuật cổ xưa. Họ đẽo tay những thanh gỗ lớn bằng rìu truyền thống, cố định các thanh dầm với các mối ghép mộng và chốt. Khung mới được thiết kế chống cháy, lửa sẽ không thể lan rộng như trước. Nếu lửa bùng lên trong không gian mái vòm này, mọi người có thể sử dụng bình xịt chữa cháy được treo khắp nơi để dập trong lúc đợi cứu hỏa.

Ra khỏi khu vực gác mái của nhà thờ, Kunzig đi lên cầu thang hẹp lát đá của tòa tháp phía nam, lên đỉnh tháp và vòng phía về đông để ngắm sông Seine phía dưới đang lấp lánh dưới ánh Mặt Trời. Phía trên nóc ngọn tháp là con gà trống bằng đồng mạ vàng, bên trong chứa di vật của hai vị thánh và một cuộn giấy ghi tên tất cả 2.000 công nhân phục chế. Gà trống là biểu tượng của nước Pháp, nó tượng trưng cho hy vọng và phục sinh. Con gà trống bản gốc bị hư hỏng nặng do rơi trong vụ hỏa hoạn, dự kiến sẽ được trưng bày.

Các tấm kính màu được lau chùi sáng bóng trên những ô cửa sổ cao. Những vết bẩn từ đám cháy và bụi bẩn được loại bỏ.

Đối với các giáo sĩ, sự linh thiêng của Nhà thờ Đức Bà Paris không bắt nguồn từ tòa nhà, mà từ những gì diễn ra bên trong. "Nhà thờ chính tòa trên hết là nơi thờ phụng", Đức ông Olivier Ribadeau Dumas, cha sở của nhà thờ, nói.

Dự kiến năm 2025, nhà thờ sẽ đón lượng khách kỷ lục 15 triệu lượt. Đức ông hy vọng khi vào bên trong, du khách có thể trở thành những người hành hương thực thụ.

Anh Minh (Theo NatGeo)