Vì sao chuyến tàu xuyên Việt có giá tour hơn 200 triệu đồng mỗi khách?

SJourney là chuyến tàu hạng sang do một số chủ đầu tư - đại diện là PYS Travel - hợp tác với Đường sắt Việt Nam thực hiện, ra mắt từ tháng 12. Hành trình của chuyến tàu dài 8 ngày 7 đêm, qua các thành phố gồm Ninh Bình, Quảng Bình, Huế, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết và khởi hành cả hai đầu Hà Nội và TP HCM. Để trải nghiệm tour, du khách cần chi khoảng 220 triệu đồng, bao gồm cả 7 đêm lưu trú trên tàu và các hoạt động du lịch tại các thành phố ghé thăm.

Ông Phan Trọng Thắng, Giám đốc điều hành SJourney, nói ý tưởng về chuyến tàu hạng sang không mới trên thế giới nhưng Việt Nam chưa có, trong khi đường sắt Bắc Nam là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Do đó, các bên liên quan đã phối hợp để tạo ra trải nghiệm đường sắt cao cấp với đối tượng chính là khách quốc tế.

Đoàn tàu gồm 13 toa, chạy hành trình riêng - khác những sản phẩm tàu cao cấp từng xuất hiện ở Việt Nam khi chủ đầu tư thường thuê một hoặc hai toa và chạy theo lịch trình của đường sắt. Ông Thắng cho biết vận hành một chuyến tàu cao cấp không đơn thuần là đi từ điểm A đến B, còn cần đem đến những cảm xúc đặc biệt cho khách trên từng hành trình.

Ban đầu, đơn vị chưa hình dung ra cách chuyến tàu sẽ vận hành nên đã cử nhiều đoàn đi khảo sát một số chuyến tàu cao cấp trên thế giới. Ông Thắng đã làm khách trên hai chuyến tàu Palaces On Wheels đi qua loạt địa danh lịch sử ở vùng Rajasthan, Ấn Độ với hành trình 7 đêm và Golden Eagle tại Uzbekistan.

Tuy nhiên, "chúng tôi không tự tạo ra chuyến tàu này", ông nói, cho biết đã nhận được sự tham vấn từ phía Golden Eagle Luxury Trains - đơn vị chuyên cung cấp các chuyến du lịch tàu hỏa cao cấp toàn cầu.

Không gian phòng ăn trên tàu. Ảnh: Giang Huy

Không gian phòng ăn trên tàu. Ảnh: Giang Huy

Từ học hỏi kinh nghiệm những chuyến tàu cao cấp quốc tế, SJourney tạo nên chuyến tàu "độc bản" của Việt Nam từ thiết kế tới trải nghiệm. Tàu được thiết kế theo phong cách Indochine (Đông Dương) với vỏ ngoài màu đỏ bã trầu kết hợp vàng kim loại, gợi nhớ thời kỳ hoàng kim của du lịch Đông Dương những năm 1930 khi các chuyến tàu như Trans-Indochina kết nối nhiều vùng trong Đông Nam Á.

Nhân sự trên tàu được tuyển chọn là những người từng có kinh nghiệm phục vụ trên du thuyền, khách sạn 5 sao, có khả năng nói tiếng Anh trôi chảy. Đây được xem là bước đầu tiên để chạm tới cảm xúc du khách trong hành trình 8 ngày. Ngoài ra, ẩm thực đa dạng từ Á tới Âu với nguồn nguyên liệu địa phương tuyển chọn cũng khiến du khách thoải mái suốt thời gian trên tàu.

Khi đi khảo sát, ông Thắng nhận thấy cỡ phòng ngủ của các tàu trên thế giới thường dao động 5-10 m2 và phòng 10 m2 thường là hạng suites, giá lên tới hàng chục nghìn USD. Với sản phẩm tại Việt Nam, toàn bộ phòng được làm với diện tích 10 m2, tối ưu không gian nghỉ ngơi của khách, đồng giá khoảng 8.600 USD. Mức này rẻ hơn hầu hết phòng cỡ tương tự của các chuyến tàu hạng sang trên thế giới, theo nhà điều hành tour.

Khách sẽ được nghỉ ngơi thoải mái hơn khi tàu chạy với tốc độ khoảng 40 km/h - chậm hơn so với 75 km/h của tàu Bắc Nam hiện tại, tránh rung lắc. Tốc độ cũng được tính toán để khách thư giãn, ngắm cảnh từ trên tàu.

Du khách chi số tiền hơn 200 triệu đồng sẽ được đi qua một hành trình trải nghiệm văn hóa Việt. Những người thiết kế chuyến đi mong muốn mỗi ngày thức dậy, du khách "sẽ thấy hồi hộp" với những gì đang chờ đón họ ở điểm đến mới.

Khi tới Ninh Bình, du khách được khám phá Tràng An và trải qua hành trình ngược thời gian khi thăm những di sản từ thời Đinh, Lê. Du khách cũng sẽ có bữa trưa giữa không gian của vùng núi đá vôi Tam Cốc.

Hành trình tại Quảng Bình bắt đầu bằng chuyến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, du ngoạn trên sông Son, khám phá Động Phong Nha. Du khách sẽ thư giãn tại suối Nước Moọc, thưởng thức bữa trưa giữa thiên nhiên. Buổi tối, hành khách dùng bữa giữa cánh đồng lúa với ẩm thực địa phương sau khi trải nghiệm lớp học nấu ăn.

Tại Hội An, đội ngũ làm tour kết hợp cùng một chủ nhà người địa phương để tổ chức bữa ăn cho du khách ngay giữa cánh đồng. Chủ nhà được chọn hợp tác là đầu bếp nổi tiếng và mỗi ngày chỉ nhận một nhóm khách, toàn bộ thực đơn được làm từ nguyên liệu địa phương. Đến Huế, đoàn khách sẽ gặp gỡ một vợ chồng nghệ nhân để nói về nghệ thuật ca trù và tham quan phòng tranh riêng của họ.

Ở Nha Trang, du khách dùng bữa trên du thuyền Emperor Cruise, thưởng ngoạn cảnh đẹp vịnh Nha Trang, thăm làng chài và thư giãn tại bãi biển Sỏi. Buổi chiều, hành trình tiếp tục với tham quan Nhà thờ Đá, chùa Lộc Thọ, nhà cổ, kết hợp lớp học nấu ăn và thưởng trà chiều.

Buổi sáng ngày thứ 7 ở Phan Thiết, du khách hòa mình vào không gian tâm linh trên núi Tà Cú, khám phá quy trình làm nước mắm truyền thống tại bảo tàng. Buổi chiều, đồi Cát Trắng là nơi tham gia các hoạt động ngoài trời và ngắm cảnh quan. Buổi tối, du khách thưởng thức bữa tối chia tay bên tháp Poshanư cổ kính trước khi trở về tàu và để đi về điểm cuối.

"Khách trải nghiệm dịch vụ cao cấp nhưng vẫn có sự kết nối với người địa phương", ông Thắng nói. Thông qua hành trình 8 ngày trên tàu, đơn vị tổ chức muốn đưa du khách khám phá vẻ đẹp "từ quá khứ hào hùng tới cuộc sống hiện đại năng động" của Việt Nam. Trong hành trình này, chuyến tàu như cầu nối quá khứ và hiện tại, đem đến hành trình "vượt xa tưởng tượng của du khách".

Đại diện đơn vị điều hành nói phản ứng của đoàn khách đầu "rất tốt", khách tỏ ra "bịn rịn" lúc chuẩn bị rời tàu, dù họ tự thấy còn nhiều khâu cần cải thiện.

Công suất tàu tối đa 60 khách nhưng hai chuyến đầu tiên lấp chưa quá 30% khi lần lượt đón 18 và 12 khách. Ông Thắng nói điều này nằm trong dự tính do trước khi khai thác không quảng bá quá nhiều, chưa tiếp cận được số đông khách đủ điều kiện trải nghiệm.

Ông Thắng dùng bữa cùng một nữ du khách trong đoàn đầu tiên trải nghiệm SJourney. Ảnh: NVCC

Ông Thắng dùng bữa cùng một nữ du khách trong đoàn đầu tiên trải nghiệm SJourney. Ảnh: NVCC

Trong năm tới, SJourney đã được một số công ty từ Anh, Đức ký hợp đồng charter (thuê trọn tàu) để bán cho khách hàng của họ. Đơn vị hy vọng lượng khách đặt khi đó sẽ khả quan để đơn vị có thể khai thác chuyến tàu hằng tuần, thay vì tần suất hai chuyến mỗi tháng như hiện nay. Nhà điều hành tour cũng kỳ vọng ngành du lịch có thể chung tay tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn nữa, qua đó xây dựng hệ sinh thái du lịch cao cấp ở Việt Nam.

"Chúng tôi muốn đoàn tàu thành biểu tượng của du lịch Việt", ông Thắng nói, cho biết thị trường chính của chuyến tàu là khách Anh, Mỹ, châu Âu và Australia. Ông tin đây là sản phẩm đủ sức khẳng định vị trí của Việt Nam trong thị trường du lịch cao cấp.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch CLB Du lịch thủ đô, nói chuyến tàu nhắm tới khách hàng cao cấp, muốn trải nghiệm những điều độc nhất, thay vì chỉ đơn thuần những tiện nghi, sang trọng thông thường. Mức giá hơn 200 triệu đồng cho hành trình được ông Đạt đánh giá "bình thường", nói thêm ở Dubai có những dịch vụ để giới nhà giàu tiêu tới 500 triệu đồng mỗi ngày.

"Đây là sản phẩm tiềm năng để giới thiệu với khách cao cấp khi tới Việt Nam", ông Đạt nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng mức giá khó tiếp cận với khách nội nên ban tổ chức có thể gặp khó để lấp đầy tàu.

Ngoài ra, việc tàu vẫn chạy trên đường ray cũ, khổ nhỏ có thể là điểm trừ. Trong năm qua, ông Đạt từng đi tàu 6 lần và hầu như không thể ngủ ngon vì âm thanh ồn ào do khổ đường ray nhỏ tạo ra.

Tú Nguyễn