Đề xuất xây dựng giá phẫu thuật ghép tạng

Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, nêu đề xuất trên trong Hội nghị Công tác ghép mô - tạng ngày 6/12 tại Bệnh viện Việt Đức.

Hiện, Bộ Y tế chỉ có quy định giá cho mổ ghép thận tự thân trong cấp cứu do chấn thương cuống thận, chưa xây dựng giá cho phẫu thuật ghép tạng (như ghép gan, phổi, tim...). Trong khi đó, các bệnh viện tự xây dựng giá cho phẫu thuật ghép tạng tại bệnh viện và thu của người bệnh. Điều này khiến "quyền lợi của người bệnh chưa được đảm bảo theo Luật BHYT", bà Tám nói. Chi phí bình quân điều trị sau ghép tạng hằng tháng tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng khác nhau đối với cùng một bệnh.

"Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng giá cho các phẫu thuật ghép tạng để cơ quan BHXH có cơ sở thanh toán chi phí phẫu thuật cho người bệnh", bà Tám kiến nghị.

Thực tế, so với các nước trên thế giới, chi phí ghép tạng tại nước ta rẻ hơn. Số tiền một ca ghép ở Việt Nam bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ. Đơn cử, ghép phổi chi phí khoảng 1,3 tỷ đồng còn ghép gan là 1 tỷ. Với ghép gan, BHYT trả khoảng 200 triệu đồng cho bệnh nhân được hưởng 100%; 163 triệu đồng với người không được hưởng 100%. Như vậy, mức chi trả của BHXH cho bệnh nhân ghép gan hiện nay rất thấp.

Ngoài chi phí thực hiện kỹ thuật ghép tạng, các cơ sở y tế phải trả cho hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng. Những chi phí này chưa được xây dựng thống nhất, khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán, đặc biệt là đối với cơ sở có ca hiến tạng. Vì vậy, các chuyên gia yêu cầu Bộ Y tế xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng cho tất cả cơ sở y tế cả nước, đảm bảo quyền lợi người bệnh.

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thảo My

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thảo My

Việt Nam có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á, đạt hơn 1.000 ca mỗi năm. Cả nước hiện có hơn 29 trung tâm ghép tạng. Hiện, khoảng 5.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó chủ yếu là ghép gan và thận.

Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế.

Lê Nga