7 thói quen hàng ngày âm thầm gây hại trái tim

Bỏ bữa sáng

Nhiều người cho rằng bỏ bữa sáng là cách tiết kiệm thời gian hoặc giảm lượng calo hấp thụ, nhưng các chuyên gia cảnh báo thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy những người không ăn sáng thường có mức cholesterol cao hơn và đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn so với những người ăn sáng đều đặn.

Khi cơ thể không được nạp năng lượng vào đầu ngày, nó sẽ chuyển sang "chế độ đói", khiến lượng đường huyết sụt giảm, gia tăng tình trạng viêm – một yếu tố liên quan đến các vấn đề tim mạch về lâu dài.

Ngoài ra, việc bỏ bữa sáng còn dễ dẫn đến những cơn thèm ăn mạnh vào giữa hoặc cuối ngày, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều đường. Điều này có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.

Các chuyên gia khuyến nghị nên duy trì thói quen ăn sáng, ngay cả khi đó là một bữa ăn đơn giản như sinh tố, yến mạch hoặc một nắm hạt dinh dưỡng. Bữa sáng không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn hỗ trợ kiểm soát cân nặng – yếu tố then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Căng thẳng mãn tính

Căng thẳng là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hiện đại – từ áp lực công việc, khó khăn tài chính đến các biến cố cá nhân. Tuy nhiên, khi tình trạng này xảy ra liên tục, cơ thể sản sinh hormone cortisol với mức cao, làm tăng huyết áp, nhịp tim và gây viêm – những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim.

Theo các chuyên gia y tế, phản ứng căng thẳng kéo dài có thể làm tổn thương thành động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Biểu hiện thường gặp là cảm giác nặng ngực, căng cơ hoặc khó thở – dấu hiệu cho thấy tim đang phải chịu áp lực quá mức.

Để giảm thiểu tác động của căng thẳng lên tim, các bác sĩ khuyến nghị nên duy trì những thói quen giúp thư giãn hằng ngày như hít thở sâu, thiền hoặc đi bộ nhanh. Những hoạt động đơn giản này có thể giúp hạ mức cortisol, cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng chất lượng sống.

Ảnh: acscardio

Ảnh: acscardio

Ăn quá nhiều muối

Chúng ta đều biết rằng ăn quá nhiều muối không tốt cho sức khỏe, nhưng bạn có thể ngạc nhiên khi biết lượng muối ẩn chứa trong chế độ ăn nhiều đến mức nào. Thực phẩm chế biến, súp đóng hộp và các bữa ăn ở nhà hàng thường có nhiều natri hơn bạn nghĩ. Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim. Muối cũng có thể làm hỏng mạch máu và khiến tim phải làm việc nhiều hơn mức cần thiết.

Nếu ăn quá nhiều muối, bạn có thể thấy phù nề, sưng tấy hoặc thậm chí chóng mặt - tất cả đều là dấu hiệu của huyết áp cao hoặc tích nước, dẫn đến gây hại cho trái tim. Hãy bắt đầu kiểm tra nhãn thực phẩm và cắt giảm thực phẩm chế biến. Nguyên liệu tươi luôn là lựa chọn tốt nhất. Khi nấu ăn, hãy thử nghiệm với các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho bữa ăn thay vì với lấy lọ muối.

Ngồi quá lâu

Ngồi trong thời gian dài không chỉ gây đau lưng mà còn không tốt cho tim. Theo các chuyên gia, thói quen ít vận động có thể làm chậm lưu thông máu, tăng huyết áp và mức cholesterol xấu – những yếu tố làm gia tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

Những người ngồi nhiều thường gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau cổ, đau lưng, sưng chân hoặc mắt cá – dấu hiệu cho thấy tuần hoàn máu đang bị ảnh hưởng. Đây là cách cơ thể phát tín hiệu cảnh báo.

Để cải thiện sức khỏe tim mạch, chuyên gia khuyến cáo nên đứng dậy và vận động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút. Có thể là duỗi người, đi bộ quanh văn phòng hoặc sử dụng bàn đứng khi làm việc. Ngoài ra, việc đặt báo thức nhắc nhở đứng dậy cũng là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để tránh tác động tiêu cực từ việc ngồi quá lâu.

Không ngủ đủ giấc

Giấc ngủ không chỉ giúp cơ thể hồi phục mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim. Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ kéo dài có thể làm tăng huyết áp, mức cholesterol và tình trạng viêm – ba yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tim. Ngoài ra, giấc ngủ kém chất lượng còn làm rối loạn khả năng điều chỉnh đường huyết, dẫn đến kháng insulin – dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn về sức khỏe tim mạch.

Các triệu chứng thường thấy khi thiếu ngủ bao gồm mệt mỏi vào ban ngày, cáu kỉnh, khó tập trung. Đây không chỉ là biểu hiện đơn thuần của sự thiếu nghỉ ngơi mà còn là lời cảnh báo cho thấy tim đang bị ảnh hưởng.

Để bảo vệ sức khỏe tim, các chuyên gia khuyến nghị nên ngủ từ 7–9 giờ mỗi đêm. Thiết lập thói quen thư giãn trước khi ngủ – như đọc sách, tắm nước ấm hoặc thực hiện vài động tác giãn cơ – có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với màn hình ít nhất 30 phút trước giờ ngủ và duy trì lịch trình ngủ đều đặn sẽ giúp bạn đạt được giấc ngủ sâu và ổn định hơn.

Tiêu thụ rượu

Dù một ly rượu vang thỉnh thoảng có thể không gây hại, việc tiêu thụ rượu quá mức lại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tim. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng uống rượu có thể làm tăng huyết áp, gây rối loạn nhịp tim và theo thời gian, góp phần vào sự phát triển của bệnh tim. Lạm dụng rượu còn có thể làm suy yếu cơ tim, khiến tim gặp khó khăn trong việc bơm máu hiệu quả.

Các triệu chứng thường gặp khi tiêu thụ quá nhiều rượu bao gồm tim đập nhanh, nhịp không đều và cảm giác mệt mỏi kéo dài – dấu hiệu cho thấy hệ tim mạch đang bị ảnh hưởng tiêu cực.

Các chuyên gia khuyến nghị nên uống rượu ở mức độ vừa phải: tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới. Với những ai muốn giảm lượng rượu tiêu thụ, có thể thay thế bằng các lựa chọn lành mạnh hơn như nước có gas với lát chanh, trà thảo mộc hoặc nước ép không đường.

Bỏ qua sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần và sức khỏe tim mạch có mối liên hệ chặt chẽ hơn nhiều người nghĩ. Các vấn đề kéo dài như lo âu và trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trí mà còn có thể gây tổn hại cho tim. Căng thẳng mạn tính, mất ngủ và lối sống ít vận động – những hệ quả phổ biến của rối loạn tâm thần – là các yếu tố làm tăng nguy cơ huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Theo các chuyên gia, tình trạng mệt mỏi thường xuyên, nhịp tim không đều hoặc đau ngực khi căng thẳng không chỉ là biểu hiện tâm lý mà còn là dấu hiệu cho thấy trái tim đang phải chịu áp lực từ cả thể chất lẫn cảm xúc.

Để bảo vệ sức khỏe tim, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều không thể bỏ qua. Các hoạt động như thực hành chánh niệm, viết nhật ký, đi bộ ngoài trời có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả. Với những trường hợp lo âu hoặc trầm cảm kéo dài, tìm đến chuyên gia tâm lý là bước quan trọng để cải thiện cả tinh thần và tim mạch.

Chế độ ăn tốt cho tim mạch

Để có một trái tim khỏe mạnh, hãy nạp nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh. Yến mạch, quả mọng và rau lá xanh như rau bina giúp giảm cholesterol. Cá béo như cá hồi và cá mòi cung cấp omega-3 giúp giảm viêm và hỗ trợ nhịp tim. Các loại hạt (đặc biệt là óc chó và hạnh nhân), hạt lanh và hạt chia, và quả bơ rất tốt để duy trì mức cholesterol tốt. Dầu ô liu, tỏi và chocolate đen (ở mức độ vừa phải) cũng hỗ trợ chức năng tim mạch.

Tránh thực phẩm chế biến, muối và đường dư thừa. Kết hợp những thực phẩm tốt cho tim này với lối sống năng động có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Hướng Dương (Theo Times of India)