Trái tim giãn to sau 20 năm mổ chuyển vị đại động mạch

Ngày 13/12, BS.CKI Nguyễn Phạm Thùy Linh, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết Bảo bị biến chứng hở van động mạch chủ nặng, sau nhiều năm mổ chuyển vị đại động mạch. Thất trái giãn rất lớn, đường kính 70-80 mm (bình thường khoảng 42-58 mm), trái tim căng to như quả bóng. Chức năng co bóp thất trái suy giảm, phân suất tống máu chỉ còn 43%.

Bảo ngay sau sinh được phát hiện chuyển vị đại động mạch thể đơn thuần, biểu hiện tím tái. Tình trạng này xảy ra khi hai động mạch xuất phát từ tim hoán đổi vị trí cho nhau. Cụ thể, động mạch chủ nối với tâm thất phải thay vì tâm thất trái, còn động mạch phổi nối với tâm thất trái thay vì tâm thất phải. Hậu quả là dòng máu nghèo oxy không được đi đến phổi để trao đổi khí mà đi thẳng vào động mạch chủ, đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Khi Bảo 19 ngày được gia đình đưa sang Thái Lan phẫu thuật thành công, bác sĩ chỉ định tái khám đều đặn hàng năm.

Tuy nhiên, ba năm trước dịch Covid-19 bùng phát, đi lại khó khăn, Bảo ngưng tái khám và không xuất hiện triệu chứng bất thường. Đến tháng 10 năm nay, Bảo tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bác sĩ chẩn đoán bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, một số bệnh nhân chuyển vị đại động mạch sau phẫu thuật xảy ra biến chứng hở van động mạch chủ. Khi đó, máu từ động mạch chủ trào ngược về thất trái trong giai đoạn tâm trương (bắt đầu khi cơ tim thư giãn, buồng tim đầy máu) khiến thất trái giãn to dần. Trường hợp này không phẫu thuật sớm để thay van tim, bệnh nhân có thể suy tim nặng đe dọa tính mạng.

Êkíp quyết định phẫu thuật thay van cơ học cho bệnh nhân. "Đây là ca mổ lại, nhiều thách thức", bác sĩ Trí Viên nói, thêm rằng mô tim và mạch máu dính nhiều hơn so với lần phẫu thuật đầu, thân động mạch phổi nằm sát xương ức. Quá trình rạch mở có thể làm tổn thương tim hoặc vỡ động mạch phổi. Thất trái giãn lớn, chức năng tim suy giảm khiến các bác sĩ lo ngại về khả năng bảo tồn chức năng tim sau mổ.

Các bác sĩ phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Các bác sĩ phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Để giảm rủi ro, Bảo được tiến hành nhiều kiểm tra chuyên sâu trước mổ. Trong suốt quá trình mổ, máy tim phổi nhân tạo, bóng đối xung, máy lọc máu... được chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với mọi tình huống. May mắn ca phẫu thuật diễn ra thành công. Hậu phẫu, chức năng tim của Bảo giảm, suy tim nặng và suy thận, phải thở máy, dùng thuốc trợ tim, bóng đối xung động mạch chủ, lọc máu liên tục. Tình trạng cải thiện dần, người bệnh cai máy thở sau ba ngày.

Vài ngày sau chức năng thận ổn định, Bảo rời phòng hồi sức (ICU), điều trị nội trú 7 ngày thì xuất viện, chức năng tim cải thiện, van động mạch chủ cơ học hoạt động tốt. Bác sĩ Trí Viên dự kiến sau 6-12 tháng, kích thước và chức năng tim của người bệnh sẽ hồi phục dần. Hai tuần sau ca phẫu thuật, Bảo có thể đi lại nhẹ nhàng, sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Viên căn dặn bệnh nhân chế độ sinh hoạt, tập luyện sau phẫu thuật. Ảnh: Hạ Vũ

Bác sĩ Viên căn dặn bệnh nhân chế độ sinh hoạt, tập luyện sau phẫu thuật. Ảnh: Hạ Vũ

Bác sĩ Trí Viên lưu ý trẻ được phẫu thuật chuyển vị đại động mạch đúng thời điểm vẫn cần được theo dõi suốt đời nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng. Nhờ đó, bác sĩ can thiệp sớm khi có dấu hiệu bất thường, tránh tiến triển nặng, gây khó khăn trong điều trị. Hiện, dị tật chuyển vị đại động mạch thường được chẩn đoán ngay trong bào thai thông qua siêu âm tim thai. Phát hiện sớm tăng cơ hội cứu sống trẻ, tối ưu kết quả chữa bệnh.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp