Cô gái vừa làm công việc sản xuất thực phẩm, vừa kinh doanh thời trang, từng có khoảng thời gian gặp khó khăn khi mắc nhiều bệnh như tụt canxi đường máu, dạ dày, yếu tim, tiền đình. Việc sử dụng nhiều loại thuốc tây khiến cơ thể rối loạn chuyển hóa, tăng cân mất kiểm soát. Từ 42 kg, Đầy tăng lên 61 kg, mất cân đối với chiều cao 1,61 mét.
"Tôi vô cùng tự ti về bản thân, sống thu mình", Đầy bộc bạch.
Muốn giảm cân nhanh, Đầy đâm đầu vào các phương pháp nhịn ăn phản khoa học, điển hình là uống nước chanh không đường. Sau đó, cô phải nhập viện vì loét dạ dày nặng.
Sức khỏe suy giảm, tâm lý bất ổn, tuyệt vọng cũng là lúc người con gái quyết tâm thay đổi bản thân. Cô tham gia một khóa học dinh dưỡng và biết rằng mình cần phải điều trị ổn định bệnh dạ dày trước bằng cân đối ăn uống.
Cô áp dụng nhiều nguyên tắc trong ăn uống, chủ yếu là thay đổi cách ăn và những thực phẩm nạp vào cơ thể. Để cải thiện chứng đau dạ dày, Đầy ăn các món dễ tiêu hóa như cơm với nước hầm xương hay ức gà, khoai lang, uống lợi khuẩn. Trong mỗi bữa, Đầy thực hành theo thứ tự ăn rau củ quả trước, sau đó mới đến chất đạm từ cá, tôm, trứng; cuối cùng là tinh bột.
Đây là ăn ngược quy trình, tức là vào bữa nên ăn nhiều món rau trước (canh, rau luộc), trái cây ít ngọt, sau đó mới ăn thịt cá, cơm. Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, giải thích ăn rau trước bữa cơm sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động. Sự hoạt động này không quá nặng nề mà diễn ra nhẹ nhàng, êm ái bởi rau vốn nhiều chất xơ, không quá khô cứng.
Nếu ăn cơm, thịt ngay lúc đầu sẽ khiến niêm mạc dạ dày phải tiết nhiều dịch vị tiêu hóa các thức ăn khô, cứng - dễ dẫn đến việc đau dạ dày. Do đó, thói quen ăn rau trước sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa cũng như cách cơ thể ta hấp thụ thức ăn.
Lấp đầy chiếc bụng rỗng với rau sẽ khiến bạn nhanh chóng cảm thấy no bụng, không muốn ăn nhiều hơn sau đó. Từ đây, chúng ta có thể kiểm soát được hàm lượng đường, hàm lượng chất béo... có trong thức ăn một cách tốt hơn.
Đặc biệt, Đầy còn chú trọng nạp nhiều viatmin từ rau củ quả vào buổi sáng. Đây là thời điểm dạ dày trống rỗng nên sẽ dễ hấp thu nhiều vitamin cần thiết cho da, tóc cũng như sức khỏe nói chung. Đặc biệt, cô hạn chế thịt đỏ, thay thế bằng cá, các loại hạt bởi chúng giàu chất béo tốt.
Cô ăn chậm, nhai kỹ để no lâu, thời gian để hoàn thành bữa thường khoảng 30 phút. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân quân đội 108, nhìn nhận lượng đường trong máu cơ thể thường tăng lên đáng kể sau 15 phút kể từ khi người đó bắt đầu ăn và có khả năng đạt đỉnh trong 30 phút sau đó. Lúc này, não bộ bắt đầu truyền tín hiệu no tới ruột và dạ dày, khiến cảm giác thèm ăn nhanh chóng biến mất. Do đó, nếu bạn ăn quá nhanh đồng nghĩa với việc bạn đã ăn quá nhiều thức ăn trước khi tín hiệu được phát ra, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng thức ăn được nạp vào cơ thể.
Có thời điểm, Đầy gặp khó khăn trong việc bổ sung dinh dưỡng khi kinh tế hạn hẹp, việc lựa chọn thực phẩm đôi khi bị giới hạn. Tuy nhiên, cô cho rằng lối sống lành mạnh là một mục tiêu sống lâu bền nên kiên trì theo đuổi, không đặt áp lực phải giảm cân, linh hoạt chế biến món ăn phù hợp tài chính nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc ăn khoa học. Sau vài tháng, nhận thấy sức khỏe chuyển biến tốt, cô càng tự tin rằng mình đã đi đúng hướng.
Cô tập luyện được 11 năm với những bộ môn khác nhau, từ võ thuật đến bóng chuyền, gym và 5 năm trở lại đây, Đầy theo đuổi yoga, một tuần 4-5 buổi. Cô coi tập luyện quan trọng tương đương cung cấp dinh dưỡng lành mạnh. Việc này còn giúp cơ thể xây dựng cơ bắp, giúp trẻ hóa.
Theo Healthline, yoga là phương pháp rèn luyện kết hợp thể chất và tinh thần, tăng sự linh hoạt, các động tác kéo giãn giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp và xương. Bộ môn này còn có tác dụng giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý bền vững hơn. Dành 30 phút tập luyện mỗi tuần có thể ngăn tăng cân, chỉ số khối cơ thể ổn định, người tập luyện thường xuyên cùng sinh hoạt điều độ, ăn uống khoa học có thể phòng nhiều bệnh lý.
Yoga còn cải thiện tâm trạng và cảm giác hạnh phúc, giảm lo lắng, xoa dịu tinh thần, hỗ trợ cải thiện sức khỏe cũng như hạn chế tăng cân. Về nguyên lý, khi căng thẳng, cơ thể sản xuất nhiều ghrelin hơn - một loại hormone khiến bạn đói và có xu hướng ăn nhiều hơn.
Dần dần, ăn uống và tập luyện trở thành lối sống, ban đầu với mục đích để khỏe mạnh hơn, "đó sau cân nặng giảm dần từ lúc nào không hay", Đầy nói. Sau 3 năm, cô giảm 14 kg, chỉ số 3 vòng 79-57-89 và duy trì đến hiện tại.
"Vượt qua nỗi đau bệnh tật là một hành trình gian nan, nhưng hiện tại tôi thấy vô cùng hạnh phúc và có thể tự làm chủ được cơ thể mình. Ăn uống lành mạnh và tập luyện vận động trở thành lối sống", Đầy nói.
Thúy Quỳnh