Như thường lệ, người đàn ông 43 tuổi bước vào phòng, trấn an bà cụ 69 tuổi. "Mẹ có khó thở không?", anh nói, tay với lọ thuốc xịt để giúp bà giảm cơn co thắt phế quản.
Ánh đèn ngủ chiếu lên khuôn mặt hốc hác của người đàn ông từng được đồng nghiệp nhận xét là "luôn tươi cười, đầy năng lượng". Giờ đây, trong gương, anh thấy hình ảnh một người trung niên với đôi mắt thâm quầng cùng mái tóc điểm nhiều sợi bạc.
Ba năm trước, cuộc điện thoại từ gia đình báo tin mẹ đột quỵ đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Long. Từ vị trí phó phòng của một ngân hàng thương mại, anh xin nghỉ việc, ở nhà chăm mẹ dù bạn đời phản đối. "Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là mẹ cần mình, và chỉ có mình mới chăm sóc tốt cho mẹ, không còn lựa chọn nào khác", Long kể, thêm rằng em trai sống ở nước ngoài, người bố ở quê.
Long thuê một căn hộ gần bệnh viện do mẹ anh thường xuyên nhập viện để điều trị bệnh nền, tập phục hồi chức năng. Gần đây, bà phát hiện bị suy thận, phải lọc máu ba lần mỗi tuần. Từ khi mẹ đổ bệnh, anh Long tìm hiểu và học các kiến thức cũng như kỹ năng chăm sóc người bệnh đột quỵ. Từng bữa ăn, giấc ngủ, đến việc tắm rửa, vệ sinh, tập vật lý trị liệu... đều do một tay anh đảm nhận. Người vợ và hai đứa con sống trong căn hộ cách đó 16 km, thi thoảng gia đình đoàn tụ vào cuối tuần.
Gần đây, do người em làm ăn khó khăn, quỹ tài chính chăm sóc suy giảm, trong khi các chi phí thuốc men, thực phẩm, thuê nhà ngày một tăng. Long tìm thêm công việc online nhưng chưa thành công.
Việc chăm mẹ vất vả, cộng thêm mối lo tài chính khiến người đàn ông có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm. Những cơn hoảng loạn thường xuyên ập đến vào ban đêm. Long sợ hãi viễn cảnh không còn đủ sức khỏe và tài chính để chăm lo cho mẹ. Đến khám tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bác sĩ chẩn đoán anh bị stress mãn tính, rối loạn lo âu, kiệt sức, kê đơn thuốc kèm trị liệu tâm lý.
Các nhà xã hội học gọi những người vừa phải lo chăm sóc cha mẹ già yếu, vừa nuôi con nhỏ như anh Long, là "thế hệ bánh mỳ kẹp". Đây là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra, chỉ nhóm người trung niên (40-50 tuổi) vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái.
Theo một số báo cáo của các cơ quan nghiên cứu dân số, gia đình vào năm 2021, Việt Nam có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc ở cùng người dưới 15 tuổi cần được hỗ trợ chăm sóc. Mặc dù tuổi thọ của người Việt có tăng, chất lượng sống người già còn thấp do bệnh tật. Với tuổi thọ bình quân trên 73, nam giới có 8 năm sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Trung bình, cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.
Vào năm 2022, trong báo cáo 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 15, Việt Nam có khoảng 9,6 triệu người không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào. Các trường hợp này hầu như phải sống dựa vào con cái.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, nhận định việc chăm sóc người già mắc tai biến, đột quỵ là "gánh nặng cực kỳ lớn". Những trường hợp chịu di chứng suốt đời như yếu liệt nửa người khiến người chăm sóc phải túc trực 24/24, hỗ trợ mọi sinh hoạt từ tập đi đứng, ăn uống đến vệ sinh cá nhân, "vất vả hơn cả chăm một đứa trẻ".
Ngoài áp lực chăm sóc, chi phí điều trị, thuốc men, thực phẩm cũng là gánh nặng lớn. Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, chi phí y tế mỗi năm dành cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần so với người trẻ.
Những người chăm sóc còn chịu áp lực tâm lý nặng nề. Họ dễ rơi vào cảm giác tội lỗi, bất lực khi không thể cân bằng giữa chăm sóc cha mẹ và công việc cá nhân. Nhiều người cảm thấy đơn độc vì thiếu sự thấu hiểu từ gia đình, bạn đời, cộng đồng, dẫn đến căng thẳng, kiệt sức, thậm chí gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết nhiều gia đình lục đục vì kinh tế cạn kiệt do chi phí thuốc men, bỉm sữa, thuê người chăm sóc. Mâu thuẫn còn xuất phát từ cảm giác bất công trong việc phân chia trách nhiệm. Một số thành viên cảm thấy bản thân làm nhiều hơn nhưng không được ghi nhận, trong khi người khác né tránh trách nhiệm vì lý do cá nhân.
Những bất hòa này không chỉ gây căng thẳng gia đình mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý cha mẹ. Người già thường cảm thấy đau lòng, bất an, thậm chí tự trách mình là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn. Những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn đến cô đơn, buồn bã, trầm cảm.
Trong một số trường hợp, cha mẹ chọn cách né tránh nhận sự chăm sóc để giảm xung đột, dẫn đến nguy cơ bị bỏ bê hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí, họ phải đứng ra làm "người phân xử", tiếp tục gánh vác trách nhiệm gia đình dù tuổi đã cao, ốm yếu.
"Con cái cần ý thức rằng cách hành xử của mình không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của cha mẹ", ông Thiện nói.
Các chuyên gia khuyến nghị, dù gia đình ít con hay nhiều con, việc chăm sóc cha mẹ già cần được thảo luận và phân chia trách nhiệm rõ ràng, công bằng. Điều này giúp tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của cả người chăm sóc lẫn người được chăm sóc. Các thành viên nên sớm thống nhất vai trò, phân công công việc phù hợp với điều kiện từng người, như luân phiên chăm sóc hoặc đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể.
Trong trường hợp gặp khó khăn, gia đình có thể cân nhắc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ bên ngoài, như thuê người chăm sóc hoặc chọn trung tâm dưỡng lão uy tín. Đây là giải pháp phù hợp tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
"Mỗi người cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tránh tình trạng một người cho đi hoặc nhận lại quá nhiều, khiến cán cân chia sẻ trong gia đình mất cân bằng trong thời gian dài", thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của chính người chăm sóc cũng rất quan trọng. Các thành viên cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, chủ động chăm sóc bản thân và chia sẻ cảm xúc với gia đình. Điều này giúp "người chăm sóc cũng được chăm sóc", tạo sự cân bằng giữa việc chăm lo cha mẹ, gia đình nhỏ và bản thân, từ đó giảm căng thẳng và thực hiện trách nhiệm thoải mái hơn.
Chuyên gia cũng khuyên những người thuộc thế hệ "bánh mì kẹp" nên chủ động xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn để đảm bảo nhu cầu sống, đồng thời xem lại khái niệm "an vui" - hiểu thế nào là đủ, thay vì cố gắng làm việc quá sức để hưởng thụ những điều không thực sự cần thiết.
"Ai rồi cũng sẽ bước qua đoạn đường già cả, đau ốm. Làm tròn chữ hiếu với cha mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách dạy con cái trở thành những người hiếu nghĩa", thạc sĩ, giảng viên tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam, cho hay.
Thúy Quỳnh - Mỹ Ý