Phòng viêm phổi cho trẻ mùa lạnh

Thời tiết và nhiệt độ thay đổi thất thường tạo môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh. Trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, còi xương, mắc các bệnh lý bẩm sinh, sinh thiếu tháng... dễ mắc các bệnh hô hấp, nhất là viêm phổi khi trời trở lạnh.

BS.CKI Bùi Thúy Nga, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh viêm phổi cho trẻ khi nhiệt độ giảm thấp.

Giữ ấm cho trẻ

Khi trời trở lạnh, cha mẹ giữ ấm cho con bằng quần áo đủ ấm, phù hợp với nền nhiệt bên ngoài. Trẻ nên mặc thêm áo ấm, mũ len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, uống nước ấm...

Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài để phòng viêm phổi khi trời lạnh. Ảnh minh họa: Cường Pe

Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài để phòng viêm phổi khi trời lạnh. Ảnh minh họa: Cường Pe

Bổ sung dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với miễn dịch chung cho toàn cơ thể. Suy dinh dưỡng làm suy giảm chức năng của các tế bào, mô, các cơ quan, tác động xấu đến sức khỏe.

Phụ huynh cho con ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ vi chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Nếu trẻ biếng ăn, cha mẹ có thể bổ sung thuốc bổ tổng hợp, các chế phẩm khác theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng. Nguồn dinh dưỡng cân bằng giúp trẻ khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để chống lại virus, vi khuẩn tấn công. Ngoài yếu tố dinh dưỡng, để củng cố hàng rào bảo vệ cơ thể, cha mẹ nên cho bé ngủ đủ giấc, vận động mỗi ngày.

Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống

Rửa tay và giữ môi trường sống sạch có thể phòng chống bệnh hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Trẻ rửa tay với xà phòng trước và sau ăn, khi tiếp xúc với bề mặt và tác nhân có nguy cơ gây bệnh. Cha mẹ cũng cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, xì mũi, hoặc ho. Chăm sóc răng miệng cũng là một trong những cách phòng viêm phổi cho trẻ.

Do thời tiết lạnh nên các gia đình thường đóng kín cửa, ít ra ngoài làm cho không khí kém lưu thông là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn tồn tại lâu và gây bệnh. Mở cửa ở thời điểm nền nhiệt cao nhất trong ngày giúp làm mới không khí.

Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh

Hạn chế để trẻ tiếp xúc gần với người lớn hoặc trẻ khác đang ốm, ho, cảm cúm. Virus gây bệnh viêm phế quản, phổi có khả năng lây lan cao. Biểu hiện bệnh ở người lớn và trẻ lớn có thể chỉ như cảm ho thông thường. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tiếp xúc gần và bị lây bệnh thì triệu chứng nặng nề hơn, dễ gây viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Người lớn ngừng hút thuốc

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Trẻ hút thuốc thụ động do hít phải khói thuốc từ người lớn xung quanh có thể ảnh hưởng đến phổi. Các thành viên trong gia đình không hút thuốc trong nhà để tránh gây hại cho trẻ.

Tiêm vaccine phòng bệnh

Đa số bệnh viêm phổi ở trẻ em là do virus như RSV (Respiratory Syncytial Virus), Adenovirus, Parainfluenza virus, Influenza virus gây ra. Những chủng virus này có thể lây lan nhanh theo đường hô hấp.

Nếu viêm phổi do vi khuẩn, thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus. Hầu hết virus, vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp hiện đều có vaccine phòng bệnh. Bác sĩ Nga khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo lứa tuổi.

Dấu hiệu sớm khi trẻ bị viêm phổi là ho và thở nhanh. Trẻ viêm phổi nặng thường có triệu chứng rút lõm lồng ngực khi hít thở. Khi trẻ có một trong những biểu hiện như tím tái, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở có tiếng rít, ăn kém, sốt, khò khè..., phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị.

Thanh Ba

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp