Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết như trên, thêm rằng virus âm thầm lây lan khiến cộng đồng thường ghi nhận các chùm ca hoặc ổ dịch thủy đậu. Ở nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, thủy đậu có thể bùng phát thành các vụ dịch nhỏ, số ca nhiễm mới tăng lên.
Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Trước đây, bệnh ít gặp ở người lớn, hiện nay tỷ lệ người lớn mắc tăng lên và lây nhiễm cho trẻ nhỏ, trong đó có nhóm trẻ dưới 9 tháng chưa đủ tuổi tiêm ngừa.
Tại Việt Nam, thủy đậu xuất hiện rải rác từ tháng 12 đến tháng 1, cao điểm vào tháng 2-6 sau đó giảm dần. Năm nay một số địa phương đã ghi nhận xuất hiện ổ dịch, như 83 ca nhiễm tại một công ty may mặc ở Bến Tre trong hai tháng qua, Quảng Bình cuối tháng 10 có 14 ca nhiễm trong một trường học.
Vaccine thủy đậu hiện chưa đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, chỉ tiêm chủng dịch vụ có trả phí. Theo ông Khanh, sau giãn cách do Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng giảm sâu, trong khi chu kỳ dịch thường xảy ra sau 4-5 năm do tích lũy số người chưa có miễn dịch. Do đó bác sĩ dự báo số ca nhiễm thủy đậu trong năm 2025 có thể tăng cao.
"Người không có miễn dịch với thủy đậu nguy cơ cao mắc bệnh", bác sĩ nói thêm rằng cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm chủng đủ liệu trình vaccine. Người bệnh được cách ly và những người còn lại cần tiêm chủng sớm. Biện pháp này giúp tăng miễn dịch, đồng thời cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thủy đậu thuộc nhóm bệnh do virus, rất dễ lây nhiễm. Trẻ dưới 12 tháng là nhóm dễ mắc bệnh với nhiều biến chứng nặng, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh đến 4,5 lần so với lứa tuổi khác.
Dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em là xuất hiện những mụn nước li ti, màu đỏ và tản phát rải rác trên bề mặt da. Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với bệnh ngoài da, khiến gia đình chủ quan, dẫn đến điều trị muộn, tăng khả năng nhiễm trùng da dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm gan, viêm phổi, viêm não, co giật, hôn mê... tăng nguy cơ tử vong. Ở người lớn, dấu hiệu bệnh rầm rộ và dễ trở nặng hơn so với trẻ em. Trẻ đi học, người mới đi làm nguy cơ nhiễm thủy đậu cao hơn so với nhóm còn lại. Người béo phì, thừa cân, người có hệ miễn dịch kém, bệnh nền dễ trở nặng.
Thông thường bệnh thủy đậu kéo dài khoảng 5-10 ngày. Người bệnh cần đến bác sĩ khám, điều trị phù hợp, giảm biến chứng và khả năng virus lây lan trong môi trường. Bệnh nhân nhập viện điều trị khi có chỉ định của bác sĩ, thường trong trường hợp dưới 3 tháng tuổi hoặc có miễn dịch kém, cơ thể nổi mụn nước nhiều kèm sốt cao, khó thở tức ngực; vết thủy đậu tấy, sưng, lan ra xung quanh.
Khi điều trị tại nhà, cần chăm sóc kỹ các nốt mụn nước, tránh nhiễm trùng, theo dõi sát tình trạng bệnh và nhập viện ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn phức tạp, đặc biệt khi thời tiết lạnh và lưu lượng giao thương tăng cao vào dịp cuối năm. Để phòng ngừa, mọi người nên tiêm phòng đầy đủ để tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể.
Với thủy đậu, mỗi người cần tiêm đủ hai mũi, hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng thủy đậu, gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người l��n. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vaccine trước mang thai ít nhất 3 tháng.
Người chưa mắc bệnh, chưa có kháng thể, cũng dễ lây nhiễm virus VZV có trong các bóng nước của người mắc zona thần kinh, vì vậy cần tránh tiếp xúc với người mắc zona. Vaccine phòng bệnh này đã được phê duyệt tại Việt Nam, dành cho người trên 50 tuổi và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 1-2 tháng.
Văn Hà - Diệu Thuần