5 dấu hiệu thừa mỡ nội tạng

Mỡ nội tạng được lưu trữ trong khoang bụng, bao quanh nhiều cơ quan nội tạng như gan, tuyến tụy và ruột. Lượng mỡ nội tạng dư thừa quá mức có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hình dáng cơ thể mà còn gây trở ngại cho tiêu hóa, gây ra rối loạn nội tiết, có thể dẫn tới mỡ máu cao và gan nhiễm mỡ. Dưới đây là 5 triệu chứng điển hình của mỡ nội tạng dư thừa.

Ảnh minh họa: Sohu

Ảnh minh họa: Sohu

1. Đờm trong cổ họng

Khi nói đến triệu chứng đờm ở cổ họng, một số người cho rằng nguyên nhân do uống quá ít nước nên không coi trọng vấn đề này. Tuy nhiên, mỡ nội tạng quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng đờm nhiều kéo dài. Nguyên do hầu hết những người có lượng mỡ nội tạng cao đều thích ăn đồ cay và nhiều dầu mỡ. Theo thời gian, quá nhiều nhiệt tích tụ trong cơ thể và chất béo tăng, gây đờm trong cổ họng.

2. Bụng phình to

Một đặc điểm dễ thấy của mỡ nội tạng dư thừa là béo phì vùng bụng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 90% người bụng phệ là béo phì nội tạng. Một số chuyên gia chỉ ra rằng, khi vòng eo của nam giới lớn hơn 90 cm và vòng eo của phụ nữ lớn hơn 85 cm thì được gọi là béo phì do mỡ nội tạng.

Nhiều đàn ông trung niên có bụng to và hầu hết các vấn đề này do lượng mỡ nội tạng cao. Béo phì bụng rất có hại cho cơ thể và có thể gây lệch các cơ quan nội tạng. Do đó, khi phát hiện bị béo bụng, bạn phải giảm mỡ ngay lập tức và kiểm soát chế độ ăn uống.

3. Táo bón thường xuyên

Trong nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports năm 2024, các nhà khoa học đã đánh giá mối liên quan giữa chỉ số mỡ nội tạng (VAI) và thói quen đại tiện, bao gồm tiêu chảy mãn tính, táo bón mãn tính và bệnh viêm ruột (IBD), sử dụng dữ liệu của 10.391 người lớn từ 20 tuổi trở lên.

Các nhà điều tra đã tìm thấy mối liên hệ tiêu cực đáng kể giữa VAI và táo bón mãn tính. Nếu tích tụ quá nhiều mỡ, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ chậm lại, khiến việc đào thải mỡ trở nên khó khăn, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và dẫn đến táo bón.

4. Buồn ngủ

Việc bạn muốn ngủ khi thiếu ngủ hoặc mệt mỏi về mặt thể chất là bình thường. Tuy nhiên, nếu không tham gia vào công việc thể chất hoặc trí óc nặng nhọc nhưng thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, bạn nên xem lượng mỡ nội tạng có quá cao hay không.

Lý do bởi tăng mỡ nội tạng có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và gây ra tình trạng thiếu oxy. Khi não bị thiếu oxy, các triệu chứng như mệt mỏi và buồn ngủ sẽ xuất hiện.

5. Khó thở

Sự tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể cũng có thể gây khó thở, đặc biệt khi nằm thẳng. Nếu luôn cảm thấy không thở được, bạn nên xem xét liệu mỡ nội tạng có quá cao và chèn ép phổi hay không. Kết hợp với lượng mỡ nội tạng quá nhiều, hàm lượng oxy trong máu giảm, có thể gây ra tình trạng mệt mỏi nói chung và thậm chí ngất xỉu.

Tại sao lại dễ tích mỡ nội tạng?

Sự hình thành mỡ nội tạng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống. Ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate và đường khiến bạn ngày càng đói hơn, và sau đó sẽ tiếp tục ăn, gây dư thừa mỡ nội tạng.

Ngoài ra, thói quen ăn thịt mỡ và không tập thể dục cũng là những yếu tố góp phần tích mỡ. Bên cạnh đó, những người bị căng thẳng quá mức, lo lắng, thức khuya và mất ngủ trong thời gian dài cũng rất dễ bị thừa mỡ nội tạng.

Một số cách để bạn có thể đo lượng mỡ trong cơ thể

Đo vòng eo: Quấn thước dây quanh eo ngay phía trên xương hông. Phụ nữ có vòng eo 35 inch (88,9 cm) trở lên có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ mỡ nội tạng. Đối với nam giới, con số này là 40 inch (101,6 cm) trở lên.

Tỷ lệ eo - hông: Đo vòng eo và hông (quấn thước dây quanh phần rộng nhất của hông). Chia vòng eo cho vòng hông. Tỷ lệ eo - hông cao hơn 0,85 ở phụ nữ và 0,90 ở nam giới cho thấy béo phì bụng.

Chỉ số khối cơ thể (BMI): BMI đo lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng của bạn. BMI từ 30 trở lên cho thấy bạn có thể bị thừa cân và có lượng mỡ nội tạng cao.

Tỷ lệ eo - chiều cao: Chia số đo vòng eo cho chiều cao. Tỷ lệ lành mạnh không lớn hơn 0,5, ở cả nam và nữ.

>> Xem thêm 5 thói quen tưởng lành mạnh khiến bạn chóng già

Hằng Trần (Theo Aboluowang)