Dừng thuốc chống đông để chữa suy giãn tĩnh mạch

Ngày 28/12, BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Lan đến khám trong tình trạng suy giãn tĩnh mạch giai đoạn 3, đã điều trị nội khoa và đi tất áp lực không cải thiện triệu chứng. Bác sĩ chỉ định đốt laser can thiệp.

20 năm trước, bà Lan được phẫu thuật thay van tim hai lá cơ học, duy trì sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời. Bác sĩ Trang giải thích nếu can thiệp nguy cơ chảy máu cao, dẫn đến hội chứng chèn ép khoang, biến chứng nhiễm trùng, hoại tử. Trường hợp ngừng thuốc chống đông, nguy cơ huyết khối hình thành trên van gây kẹt van tim dẫn đến suy tim cấp, đột tử. Ngoài ra, huyết khối di chuyển theo dòng máu tới não gây đột quỵ.

Để đảm bảo hoạt động bình thường của van tim cơ học đồng thời chữa suy giãn tĩnh mạch an toàn, bác sĩ quyết định cho bệnh nhân ngừng dùng thuốc chống đông một ngày trước can thiệp. Sau đó, người bệnh được đốt laser nội tĩnh mạch.

Bác sĩ lựa chọn kim gây tê kích thước nhỏ để hạn chế tổn thương, tránh nguy cơ xuất huyết. Cùng với kỹ thuật siêu âm, bác sĩ đưa đầu dây dẫn vào đúng vị trí trong lòng tĩnh mạch bị suy. Đầu laser phát năng lượng làm xơ hóa giúp lòng mạch co lại, teo toàn bộ tĩnh mạch giãn.

Quá trình can thiệp thuận lợi, sau 6-8 giờ, bà Lan không xuất hiện biến chứng chảy máu nên được sử dụng lại thuốc chống đông để đảm bảo van tim ổn định. Ba ngày sau thủ thuật, bà đạt được mức liều chống đông trong máu trở lại bình thường, đỡ đau nhức chân. Bà tái khám sau một tháng các kết quả kiểm tra sức khỏe ổn định.

Bác sĩ siêu âm tĩnh mạch chi dưới cho bà Lan. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ siêu âm tĩnh mạch chi dưới cho bà Lan. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý thường gặp, nữ giới thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Bệnh thường tiến triển chậm, diễn tiến âm thầm, có thể biến chứng như huyết khối tĩnh mạch nông và sâu gây đau, phù nề, loét chân nếu không chữa trị kịp thời. Hiện, có nhiều phương pháp điều trị như nội khoa, can thiệp (laser, RFA nội mạch, chích xơ tĩnh mạch, bơm keo sinh học...) và phẫu thuật.

Bác sĩ Trang lưu ý can thiệp suy giãn tim mạch cho nhóm bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông cần được theo dõi sát sao. Người bệnh không tự ý dừng thuốc chống đông để tránh những biến chứng sức khỏe nguy hiểm.

Ly Nguyễn

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp