Một năm đặt 4 stent thêm cơ hội sống cho người ung thư

Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng cho thấy u kích thước 6,5 cm ở vùng tá tràng của bệnh nhân. Ngày 23/12, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u xâm lấn vào lòng stent đã đặt, bít tắc hai đầu, lòng stent bị lấp đầy hoàn toàn. U còn chèn ép đoạn cuối ống mật chủ và ống tụy tại chỗ đổ vào tá tràng, không thấy ranh giới với đầu tụy, ép nhẹ mặt trước tĩnh mạch chủ dưới.

Bác sĩ chỉ định đặt stent lần thứ ba cho ông Chánh và phải đặt hai stent cùng lúc. Ông Chánh lớn tuổi, nhiều bệnh nền, u lớn xâm lấn nên không thể phẫu thuật loại bỏ u. Bác sĩ Tùng đánh giá phương pháp phù hợp là đặt stent khắc phục tình trạng tắc nghẽn. Bệnh nhân thông thường chỉ đặt 1-2 stent nhưng khối u của ông Chánh tăng kích thước nhanh, cần đặt đến 4 stent.

Rất ít bệnh nhân có cơ hội đặt nhiều stent như vậy vì giai đoạn ung thư đã xâm lấn, đặt stent chỉ là phương pháp điều trị hỗ trợ, giảm nhẹ, giúp cải thiện chất lượng sống, theo bác sĩ Tùng. "Còn bệnh nhân này rất khó đặt hai stent sau bởi u đã xâm lấn quá nhiều", bác sĩ Tùng nói, thêm rằng hiện chỉ có một số ít bệnh viện ở TP HCM có thể thực hiện phương pháp này và đây là trường hợp đầu tiên tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM được đặt nhiều stent.

Thời điểm phát hiện u tá tràng nhiều năm trước, kích thước u còn nhỏ, ông Chánh không muốn phẫu thuật. 8 tháng gần đây, u phát triển, xâm lấn vào tá tràng, khiến ông khó ăn uống, nôn ói liên tục, thiếu máu, sức khỏe suy giảm.

Hồi tháng 4, ông được đặt stent lần thứ nhất để giải quyết tình trạng tắc nghẽn, khơi thông đường tiêu hóa, giúp ăn uống bình thường, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống. Ba tháng sau khối u tiếp tục xâm lấn, làm tắc nghẽn, bác sĩ đặt stent lần thứ hai chồng lên stent thứ nhất.

Bác sĩ Tùng giải thích khối u phát triển làm ống tiêu hóa hẹp dần, dạ dày giãn rộng, ứ đọng nhiều dịch bên trong. Trước mỗi lần đặt stent, bác sĩ phải đặt ống sonde dạ dày, dẫn lưu dịch ra ngoài, trong lúc đặt stent cũng phải hút thêm 2-3 lít dịch ở dạ dày.

Bác sĩ Hữu Tùng đặt stent cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Hữu Tùng đặt stent cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ở lần đặt stent thứ ba, khối u đã xâm lấn hết hai stent cũ, bác sĩ đặt hai stent mới cùng lúc nhằm nối dài chỗ tổn thương, khơi thông tắc nghẽn. Sau khi xác định đoạn tắc, bác sĩ đưa một stent kim loại đường kính 20 mm và một stent đường kính 22 mm, dài 12 cm qua chỗ hẹp.

Hậu phẫu, ông Chánh hồi phục tốt, một ngày sau có thể ăn cháo, uống nước bình thường, không còn nôn ói, bụng mềm và xuất viện sau ba ngày.

Điều dưỡng thăm hỏi sức khỏe của ông Chánh khi chuẩn bị xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Điều dưỡng thăm hỏi sức khỏe của ông Chánh khi chuẩn bị xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Tùng, đặt stent ít xâm lấn, thực hiện trong thời gian ngắn, là giải pháp điều trị nâng đỡ, giảm nhẹ giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh không thể phẫu thuật do sức khỏe không đáp ứng. Những trường hợp này không đặt stent, người bệnh phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch để duy trì sự sống nhưng về lâu dài không thể cung cấp đủ dinh dưỡng, làm giảm chức năng đường tiêu hóa, dễ nhiễm trùng. Đặt stent phù hợp cho người lớn tuổi, cần bác sĩ nhiều kinh nghiệm thực hiện và máy móc hiện đại hỗ trợ.

Quyên Phan

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp