Bé trai bị dị tật nang ruột đôi

Nang ruột đôi là dạng nang hình ống hoặc hình cầu, có thể xuất hiện dọc đường tiêu hóa từ thực quản, tá tràng, dạ dày, ruột non, ruột già. Nang tăng kích thước nhanh, có thể gây ra các biến chứng như chèn ép vùng tiêu hóa, tắc ruột, nhiễm trùng, xuất huyết...

Ngày 27/12, ThS.BS Lâm Thiên Kim, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nang có kích thước 2,3x1,8 cm, thành dày dạng ống tiêu hóa, bên trong có vách mỏng. Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng hoặc khả năng chuyển thành u ác tính. Trước khi phẫu thuật, bé Lưu cần nhịn ăn để làm sạch đường ruột, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát, thao tác trong quá trình mổ, giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ.

Êkíp gây mê nội khí quản, mở ba đường mổ nhỏ tại vùng rốn, hai bên hố chậu phải, đưa dụng cụ nội soi vào xác định vị trí, bóc nang ruột đôi trong một giờ. Kết quả giải phẫu cho thấy nang lành tính. Sau phẫu thuật, bé được truyền dịch, tiếp tục nhịn ăn 24 giờ. Hiện sức khỏe bé ổn định, xuất viện sau 5 ngày, tái khám theo lịch hẹn.

Êkíp mổ nội soi xác định vị trí nang ruột đôi. Ảnh: Ngọc Châu

Êkíp mổ nội soi xác định vị trí nang ruột đôi. Ảnh: Ngọc Châu

Bác sĩ Kim cho hay nang ruột đôi là dị tật bẩm sinh, tỷ lệ mắc khoảng 1/4.500 ca sinh. Dị tật có thể phát hiện trong bào thai hoặc ngay sau sinh. Nang ruột đôi dễ bị nhầm lẫn với các nang khác trong đường tiêu hóa như túi thừa Meckel, nang mạc treo ruột, mạc nối...

Nang ruột đôi thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng khiến chẩn đoán khó khăn. Triệu chứng phụ thuộc vào kích thước, vị trí. Nang kích thước lớn có thể gây khó nuốt, nôn mửa, ứ đọng thức ăn, khó đại tiện, tình trạng nặng gây tắc ruột.

Các bác sĩ thường siêu âm để chẩn đoán bệnh. Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc CT giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí, mức độ tổn thương của nang. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ nghiêm trọng và vị trí của nang ruột đôi, bác sĩ chỉ định phẫu thuật mổ mở hay nội soi.

Bệnh nhi được bóc nang, khâu nối ruột hoặc mở ruột ra da (một phần của ruột được đưa ra ngoài thành bụng và tạo một lỗ mở giúp chất thải từ ruột có thể thoát ra ngoài). Trẻ đủ điều kiện sức khỏe được mổ nội soi với đường mổ nhỏ thẩm mỹ, ít đau sau mổ, phục hồi nhanh. Trẻ có biểu hiện đau bụng, đầy hơi, chán ăn, nôn ói kéo dài cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.

Ngọc Châu

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp