BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo thai phụ bị sốt nên đến cơ sở y tế khám vì sốt có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Không tự ý dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến của tình trạng này.
Cảm lạnh, cúm
Thai phụ dễ bị cảm lạnh hoặc cúm vì hệ thống miễn dịch suy yếu. Các triệu chứng của hai bệnh này tương tự nhau, bao gồm sổ mũi, đau họng, ho, đau đầu, khó thở, sốt, ớn lạnh; có thể kéo dài 3-14 ngày. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, thường tự khỏi. Nếu tình trạng nặng hoặc lâu hơn, thai phụ có thể bị viêm xoang, viêm phế quản, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi, cần đến bác sĩ khám để được điều trị đúng cách.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu cam, chân răng, xuất huyết nội tạng, dẫn đến suy gan, thận, tiền sản giật, sinh non, tử vong cả mẹ và bé. Thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất khám nếu bị sốt cao đột ngột (trên 38 độ C) hoặc run rẩy, khó thở, đau đầu dữ dội, đau mỏi người, xuất hiện nốt đỏ trên da, khát nước, tiểu ít, chán ăn, buồn nôn, nôn...
Thủy đậu
Nếu thai phụ nhiễm virus này trong 20 tuần đầu thai kỳ có thể dẫn đến hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở thai nhi. Đây là dị tật thai ít gặp, thường gây sẹo trên da bé, ảnh hưởng đến mắt, não, tay, chân, đường tiêu hóa. Trường hợp mẹ bầu nhiễm thủy đậu vài tuần trước sinh, trẻ sau khi chào đời có thể bị thủy đậu sơ sinh, nguy cơ đe dọa tính mạng. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt cao, phát ban, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến ở phụ nữ mang thai. Đường tiết niệu bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản, thận. Hầu hết trường hợp là nhiễm trùng bàng quang. Nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể di chuyển đến thận, gây ra nhiều biến chứng như sinh non, trẻ nhẹ cân, nhiễm trùng huyết.
Bệnh thường không có triệu chứng, nhưng một số trường hợp xuất hiện biểu hiện như thường xuyên buồn tiểu, tiểu rát, nước tiểu đục hoặc có máu, sốt, ớn lạnh, đau vùng chậu.
Virus đường tiêu hóa
Tiêu chảy và nôn mửa do vi khuẩn đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ nếu không được điều trị. Mất nước khiến thai phụ có nguy cơ bị co thắt, chuyển dạ sớm, hạ đường huyết, chóng mặt, ngất xỉu, mất cân bằng điện giải.
Thai phụ nên đến bác sĩ khám nếu có dấu hiệu mất nước trong 24 giờ như ít hoặc không đi tiểu, khô miệng, khát nước liên tục, chóng mặt, sốt cao hoặc đại tiện có máu.
Viêm gan B
Nhiễm trùng do virus viêm gan B gây ra triệu chứng giống cúm như sốt nhẹ, nhức đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi. Bệnh cũng khiến thai phụ chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đi tiểu sẫm màu. Một số trường hợp bị đau dạ dày, vàng da, mắt. Viêm gan B có thể truyền cho thai nhi, gây hiệu quả nghiêm trọng, tăng nguy cơ sinh non.
Viêm màng ối
Trong một số trường hợp, sốt cao, ớn lạnh cảnh báo tình trạng viêm màng ối (nhiễm khuẩn ở màng bao quanh thai nhi và nước ối). Bệnh cũng gây đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, bụng mềm, khí hư bất thường.
Nếu viêm màng ối nghiêm trọng hoặc không được điều trị, thai phụ có thể bị nhiễm trùng vùng chậu, bụng, viêm nội mạc tử cung, máu đông. Trẻ có thể gặp biến chứng bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm màng não, vấn đề hô hấp.
Nhiễm Cytomegalovirus
Cytomegalovirus (CMV) là loại virus thuộc họ herpes viridae, lây truyền qua dịch tiết cơ thể như nước bọt, nước tiểu, sữa mẹ, tinh dịch, máu... Thai nhi bị nhiễm bệnh có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sảy thai, lưu thai hoặc sinh non. Trẻ sinh ra dễ bị nhiễm trùng máu, viêm phổi, co giật, bất thường não, thị giác, thính giác.
Các trường hợp thai phụ nhiễm CMV hầu như không có triệu chứng. Một số dấu hiệu thường gặp là mệt mỏi, nhức đầu, sốt, buồn nôn, đau cơ.
Bệnh Toxoplasma
Đây là bệnh nhiễm ký sinh trùng có thể do ăn thực phẩm chưa chín, tiếp xúc với phân mèo, đất ô nhiễm. Bệnh gây ra triệu chứng giống cúm như sốt, đau cơ, đau họng, nổi hạch hoặc có khi không triệu chứng.
Toxoplasma có thể lây truyền cho bào thai, nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, nhất là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Nhiễm trùng ở giai đoạn sau có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, trẻ sinh ra gặp nhiều vấn đề về não.
Rubella
Đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ mẹ sang con qua đường máu. Phụ nữ bị nhiễm virus rubella trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ có khả năng cao truyền virus cho thai, nguy cơ sảy thai, lưu thai. Sau tháng thứ 4, mẹ bầu nhiễm rubella ít có khả năng gây hại cho thai nhi. Thai phụ mắc bệnh có thể sốt nhẹ, sưng hạch, đau khớp, phát ban đỏ.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |