19 sai lầm sức khỏe nên tránh trước khi bước sang tuổi 40

Ảnh minh họa: Pinterest

Ảnh minh họa: Pinterest

1. Nghiện điện thoại

Một nghiên cứu của Harvard năm 2011 chỉ ra rằng việc xem TV trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và tử vong. Ngoài ra, ánh sáng xanh từ các thiết bị như máy tính bảng và điện thoại di động có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, làm rối loạn giấc ngủ.

2. Không coi trọng giấc ngủ

Cơ thể và tâm trí cần được nạp lại năng lượng. Người lớn từ 18 đến 64 tuổi cần ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Thiếu ngủ có thể gây ra nhiều tác động đến sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ huyết áp cao, đột quỵ, béo phì và trầm cảm. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy việc thiếu ngủ đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.

3. Không dùng chỉ nha khoa đúng cách

Dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám. Bệnh nướu răng thường phát triển ở độ tuổi 30 - 40, phổ biến ở cả nam và nữ. Bên cạnh đó, bệnh nướu răng có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh tim.

4. Ăn uống không điều độ

Bỏ bữa trong ngày không phải là cách ăn kiêng tốt; trên thực tế, nó có thể khiến bạn ăn nhiều hơn vào buổi tối. Bỏ bữa trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

5. Bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe

Khi cơ thể gửi cho bạn những tín hiệu cảnh báo như đau đớn, đừng bao giờ bỏ qua. Phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe thường giúp ích cho việc điều trị.

6. Hút thuốc

Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, ung thư phổi và đột quỵ. Bỏ thuốc lá trước 40 tuổi có thể giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nói cách khác, bỏ thuốc sớm, bạn có thể khắc phục hầu hết những tác hại mà thuốc lá gây ra cho cơ thể.

7. Ăn quá nhiều natri

Ngay cả khi ăn ít muối hơn, bạn vẫn có thể tiêu thụ quá nhiều natri mà không nhận ra. Bánh mì, thịt chế biến, súp, phô mai, nước sốt và nhiều thứ khác đều chứa natri, do đó, bạn dễ dàng tiêu thụ nhiều natri hơn mức cơ thể cần. Tiêu thụ quá nhiều natri có thể dẫn đến huyết áp cao, một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim và đột quỵ.

8. Uống không đủ nước

Nước nuôi dưỡng mọi tế bào trong cơ thể và việc duy trì đủ nước trở nên quan trọng hơn khi chúng ta già đi, vì người lớn tuổi có thể không còn nhạy cảm với cơn khát nữa. Mặc dù uống cà phê hoặc soda cũng có thể bổ sung nước, nước lọc vẫn là lựa chọn tốt nhất cho cơ thể.

9. Không tiêu thụ các sản phẩm từ sữa

Bổ sung đủ canxi ở độ tuổi hai mươi và ba mươi là chìa khóa để duy trì sức khỏe xương. Bởi mật độ xương đạt đỉnh ở độ tuổi khoảng 30 và sau đó bắt đầu suy giảm.

10. Nói dối bác sĩ

Nhiều chuyên gia y tế cho biết ít nhất 1/4 bệnh nhân sẽ che giấu hoặc nói dối về một số tình trạng bệnh lý nhất định. Khi già đi, các vấn đề sức khỏe sẽ trở nên phổ biến hơn và ngay cả những lời nói dối nhỏ cũng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

11. Không tập tạ

Tập tạ giúp tăng cường cơ bắp, kích thích quá trình trao đổi chất và xây dựng xương chắc khỏe. Tập tạ cũng có thể cải thiện khả năng kéo giãn và thăng bằng Những lợi ích này trở nên quan trọng hơn khi chúng ta già đi.

12. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời không chỉ đẩy nhanh quá trình lão hóa da mà còn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư da. Kem chống nắng có thể hữu ích vì giúp ngăn ngừa những tổn thương trong tương lai.

13. Uống đồ ngọt

Có lẽ bạn đã biết rằng đồ uống chứa đường dễ gây béo phì. Tuy nhiên, chuyển sang sử dụng đồ uống có đường không calo không phải là một ý kiến hay. Đồ uống không calo có thể gây tăng cân, kháng insulin và tiểu đường. Mặt khác, những phụ nữ uống cola hoặc cola không calo có mật độ xương thấp hơn.

14. Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến

Ăn nhẹ trước khi đến phòng tập không phải là cách tốt để bổ sung năng lượng. Về lâu dài, lượng đường, chất béo và natri sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Điều đúng đắn cần làm là thay thế các loại thực phẩm, đồ ăn nhẹ và thịt chế biến sẵn bằng ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau tươi, thịt nạc.

15. Uống nhiều rượu

Uống quá nhiều rượu không tốt cho cơ thể. Chìa khóa ở đây là sự điều độ, không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.

16. Không có tương tác xã hội

Đừng chỉ sử dụng Facebook và Twitter làm kênh giao tiếp xã hội. Việc ở gần người khác rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của chúng ta.

17. Không chú ý đến tiền sử bệnh tật của gia đình

Nếu không biết gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, bạn dễ bỏ lỡ các tầm soát hoặc xét nghiệm thích hợp để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

18. Không dành thời gian chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật

Không chú ý đến mức cholesterol có thể khiến bạn gặp nguy cơ mắc bệnh tim ở độ tuổi 40 hoặc 50. Việc bỏ qua các cuộc kiểm tra vùng chậu, xét nghiệm Pap và khám vú hàng năm có thể khiến bạn bỏ lỡ các dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư.

19. Không tiêm vaccine theo khuyến cáo

Trẻ em không phải là đối tượng duy nhất cần tiêm vaccine. Một số loại vaccine được khuyến nghị cho người lớn, chẳng hạn như vaccine cúm, thủy đậu. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ và lịch sử tiêm chủng của mỗi người, các loại vaccine khác có thể được khuyến nghị.

>> Xem thêm 17 thực phẩm tốt cho người huyết áp cao

Hằng Trần (Theo CW)