4 lần sảy thai do dị dạng tử cung

Vợ chồng chị Thùy lập gia đình 20 năm, ba lần thụ tinh ống nghiệm (IVF) và hơn 10 lần chuyển phôi đều thất bại, 4 lần mang thai nhưng lần lượt bị lưu, sảy. Mới đây, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám tìm nguyên nhân sảy thai liên tiếp.

Ngày 3/12, ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết chị Thùy bị biến dạng tử cung do vách ngăn. Đây là dị tật bẩm sinh xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi. Bất thường này khiến buồng tử cung thu hẹp diện tích do ngăn cách, ảnh hưởng đến việc thụ thai và mang thai.

Bác sĩ Khoa dẫn một số báo cáo cho thấy có khoảng 0,1-3,2% phụ nữ bị bất thường ở tử cung, trong đó tử cung có vách ngăn là loại dị dạng thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 40%. Tử cung chị Thùy có vách ngăn khá lớn, cấu tạo là một mô xơ không có nhiều máu cung cấp. Nếu phôi thụ tinh làm tổ ở vách ngăn, thai nhi ít cơ hội phát triển bình thường vì không đủ dinh dưỡng phát triển. "Phụ nữ có tử cung phát triển bất thường, khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, ngôi ngược, phải mổ lấy thai", bác sĩ Khoa nói.

Bác sĩ Khoa (bên phải) và êkíp phẫu thuật cắt vách ngăn tử cung cho chị Thùy. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ Khoa (bên phải) và êkíp phẫu thuật cắt vách ngăn tử cung cho chị Thùy. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ phẫu thuật nội soi buồng tử cung can thiệp cho chị Thùy với hy vọng giúp chị có cơ hội mang thai. Trước phẫu thuật, chị được siêu âm dựng hình 3D mô phỏng cấu trúc bên trong buồng tử cung. Dựng hình 3D thể hiện rõ các mặt cắt tử cung, phát hiện những dị dạng bẩm sinh gồm vách ngăn, tử cung hình tim, tử cung đôi, tử cung một sừng, các nhân xơ, polyp lòng tử cung...

ThS.BS La Hồng Châu, Trưởng đơn vị Hình ảnh học Sản Phụ khoa, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, cho biết nhờ cung cấp chính xác cấu trúc bên tử cung, bác sĩ có phương án mổ an toàn, ít biến chứng.

Chị Thùy được bác sĩ phẫu thuật cắt vách ngăn, tạo hình tử cung đúng theo cấu trúc tự nhiên. Theo bác sĩ Khoa, cắt vách ngăn trong buồng tử cung là phẫu thuật có độ khó cao, vì thực hiện trong phẫu trường chật hẹp. Bác sĩ phải thao tác tỉ mỉ, thận trọng để tránh tổn thương.

Xuất viện sau một ngày phẫu thuật, chị Thùy tiếp tục điều trị nội tiết tăng cường để phủ đầy niêm mạc ở dải bờ vách ngăn bị cắt bỏ. "Sau mổ, chị Thùy vẫn có cơ hội mang thai tự nhiên", bác sĩ Khoa nói, thêm rằng vì đã lớn tuổi, sảy thai liên tiếp, dự trữ buồng trứng suy giảm nên chị được chỉ định tiếp tục điều trị hiếm muộn. Chị có thể chờ 2-6 tháng để tử cung lành vết thương, sau đó chuyển phôi, sinh con.

Tử cung có vách ngăn không có bất kỳ triệu chứng nào. Tình trạng được phát hiện qua kỹ thuật siêu âm 3D, 4D, cộng hưởng từ MRI. Trong một số trường hợp tử cung có vách ngăn có thể bị che giấu. Thực tế có nhiều trường hợp tử cung có vách ngăn nhưng chỉ 2 cm ở vùng đáy tử cung vẫn mang thai, sinh con được. Để giảm nguy cơ vô sinh do vách ngăn tử cung, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên đi khám, đánh giá để phát hiện bất thường, can thiệp sớm.

Tuệ Diễm

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp