4 thay đổi giúp bác sĩ Nhật đẩy lùi bệnh tuổi già

Ảnh: Pinterest

Ảnh: Pinterest

1. Sử dụng các loại dầu thực vật tốt

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình 88 tuổi Fumihisa Yamazaki từng cách cơn đột quỵ "một bước chân" lúc 70 tuổi. Khi ấy, ông bị suy giảm ý thức nhẹ và thiếu máu cục bộ thoáng qua. Ông từng có thói quen uống rượu với bạn bè hầu như mỗi ngày và có thể uống tới 1,8 l. Huyết áp của ông tăng vọt lên hơn 180 mmHg và nhận ra cơ thể mình đang "kêu cứu". Nếu tiếp tục lối sống này, bác sĩ nói nguy cơ đột quỵ ngày càng đến gần.

Kể từ đó, ông đã thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống, chỉ uống một ly rượu vang đỏ mỗi ngày, tránh ăn thịt đỏ nhiều chất béo, chỉ ăn ức gà và tiêu thụ các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu mè. Dầu ô liu rất phổ biến trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Nó giàu axit béo Omega-9, có tác dụng chống viêm, ổn định lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và chứng mất trí. Dầu mè chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp giảm cholesterol và bảo vệ hệ tim mạch.

2. Đi bộ 7.000 bước và thực hiện 3 lần squat mỗi ngày

Bác sĩ Yamazaki cho rằng tập thể dục là cách duy nhất để duy trì sức khỏe và sống lâu hơn, đặc biệt để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do vậy, dù đã hơn 80 tuổi, ông vẫn kiên trì đi bộ 7.000 bước mỗi ngày.

Ngoài ra, ông thực hiện ít nhất 3 lần squat mỗi ngày, mỗi lượt 10 lần, mỗi lần khoảng 10 -15 giây và tập liên tục trong 2 - 3 tháng để cải thiện tình trạng tiểu đêm ở người cao tuổi. Tập thể dục vừa phải có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp các mô trong cơ thể ít có khả năng tích tụ nước, hạn chế phù nề và giảm tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm.

3. Thực hiện thói quen đại tiện đều đặn

Thói quen đại tiện có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe đường ruột. Bác sĩ Yamazaki nói, tốt nhất nên đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu vì các chất như amoniac, hydro sunfua và axit mật thứ cấp nếu giữ lại lâu ngày sẽ dễ làm tăng gánh nặng cho gan và ruột, nghiêm trọng hơn là tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Ngoài việc hình thành thói quen đi tiêu đều đặn, bạn cũng có thể massage vùng quanh rốn để tốt cho ruột.

4. Hát to

Người cao tuổi thường dễ bị nghẹn và ho do chức năng họng suy giảm, có thể dẫn đến viêm phổi vì hít phải chất nhầy. Bác sĩ người Nhật Rikimaru Yoneo, hơn 90 tuổi, từng phải chịu đựng bệnh viêm phổi vì nguyên nhân này. Ông đã tìm ra phương pháp điều trị bệnh bằng cách hạt thật to.

Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Koichiro Nishiyama cũng khuyên bạn nên chọn những bài hát có nốt cao và nốt thấp để rèn luyện cơ họng toàn diện hơn. Đồng thời, hát những bài chậm và có các nốt nhạc kéo dài để liên tục sử dụng cơ ở cổ họng vì dây thanh quản phải căng ra trong thời gian dài để tạo âm thanh. Hát hay hay không không quan trọng, miễn là hát nhiều hơn và luyện giọng cùng bạn bè, bạn có thể tăng cơ hội giao lưu và ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

>> Xem thêm Người cha khỏe mạnh qua đời sau hai tuần bị táo bón

Hằng Trần (Theo EDH)