Vitamin tuy là chất dinh dưỡng nhỏ bé nhưng thiếu chúng có thể gây ra những vấn đề lớn. Tình trạng mệt mỏi liên tục, đau nhức khớp hoặc trí nhớ kém có thể liên quan đến tình trạng thiếu vitamin nghiêm trọng. Một số tình trạng thiếu hụt này âm thầm diễn ra, không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi gây ra tổn thương thực sự. Từ việc xương yếu đến ảnh hưởng chức năng não, việc thiếu hụt một số loại vitamin có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là 4 tình trạng thiếu hụt vitamin được coi là nguy hiểm nhất.
Thiếu Vitamin B12: Mối đe dọa với não bộ và dây thần kinh

Vitamin B12 rất quan trọng đối với chức năng thần kinh, sản xuất hồng cầu và tổng hợp ADN. Tình trạng thiếu hụt có thể không được phát hiện trong một thời gian dài nhưng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
Tổn thương thần kinh và mất trí nhớ: Nếu không có đủ vitamin B12, dây thần kinh bắt đầu yếu đi, dẫn đến cảm giác ngứa ran ở tay và chân, các vấn đề về trí nhớ và thậm chí lú lẫn.
Mệt mỏi và suy nhược cực độ: Cơ thể phải vật lộn để sản xuất hồng cầu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và chóng mặt dai dẳng.
Rối loạn tâm trạng và trầm cảm: Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa mức B12 thấp với nguy cơ trầm cảm và lo âu tăng cao.
Các trường hợp thiếu B12 nghiêm trọng có thể dẫn đến liệt: Nếu không được điều trị trong nhiều năm, tổn thương thần kinh không thể phục hồi, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Những nguồn B12 tự nhiên bao gồm trứng, các sản phẩm từ sữa, cá và thịt. Đối với những người theo chế độ ăn thực vật, cần uống viên bổ sung hoặc thực phẩm tăng cường.
Thiếu Vitamin A: Nguy cơ với thị lực và chức năng miễn dịch

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của mắt, chức năng miễn dịch và tái tạo da. Thiếu loại vitamin này có thể gây ra những hậu quả đáng báo động, bao gồm:
Quáng gà và mất thị lực vĩnh viễn: Một trong những dấu hiệu sớm nhất của tình trạng thiếu vitamin A là khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù hoàn toàn.
Khả năng miễn dịch suy yếu: Cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn vì vitamin A rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch.
Các vấn đề về da và vết thương chậm lành: Da khô, bong tróc và khả năng chữa lành vết thương chậm là những dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin A.
Nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp tăng cao: Các nghiên cứu cho thấy trẻ em, người lớn thiếu vitamin A có nhiều khả năng bị viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng phổi khác.
Cà rốt, khoai lang, rau bina và các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin A, có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề này.
Thiếu Vitamin D: Gốc rễ của các vấn đề về xương và tim

Thường được gọi là "vitamin ánh nắng mặt trời", vitamin D rất cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi, sức khỏe xương và chức năng miễn dịch. Thiếu vitamin này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
Xương yếu và gãy xương: Nếu không có đủ vitamin D, xương sẽ trở nên giòn, làm tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương.
Đau cơ và yếu cơ: Nhiều người bị thiếu vitamin D bị đau nhức cơ và mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim: Nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin D thấp có thể góp phần gây ra huyết áp cao và các vấn đề về tim.
Dễ bị nhiễm trùng hơn: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại virus và vi khuẩn, khiến tình trạng thiếu hụt trở nên nguy hiểm, đặc biệt trong mùa cúm.
Nguồn vitamin D tốt nhất là ánh sáng mặt trời, nhưng cá béo, các sản phẩm từ sữa tăng cường và các chất bổ sung cũng có thể giúp duy trì mức vitamin D đầy đủ.
Thiếu vitamin K: Mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với máu và xương

Vitamin K rất cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe xương, nhưng tình trạng thiếu hụt vitamin này thường không được phát hiện cho đến khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như:
Chảy máu và bầm tím không kiểm soát được: Thiếu vitamin K có thể dẫn đến chảy máu quá nhiều dù vết cắt nhỏ và bầm tím thường xuyên.
Xương yếu hơn và nguy cơ gãy xương: Thiếu vitamin K có thể dẫn đến loãng xương và xương yếu hơn ở người lớn tuổi.
Biến chứng tim: Vitamin K giúp ngăn ngừa tích tụ canxi trong động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Vết thương chậm lành hơn: Nếu không có quá trình đông máu thích hợp, vết thương sẽ lâu lành hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các loại rau lá xanh như rau bina và bông cải xanh là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, nên được đưa vào chế độ ăn uống thường xuyên.
Hướng Dương (Theo Times of India)
Ảnh: Deposit Photos