Theo nghiên cứu từ Đại học Newcastle (Australia), mỗi người hấp thụ trung bình khoảng 2.000 hạt vi nhựa (còn gọi là microplastic, có kích thước dưới 5 milimét) mỗi tuần, tương đương lượng nhựa làm ra một chiếc thẻ ngân hàng.
Hạt vi nhựa có thể bắt nguồn từ vải sợi quần áo nhân tạo, kem đánh răng, đồ dùng bằng nhựa hoặc rác thải đang phân hủy... Chúng ra biển, len lỏi vào sông, làm thức ăn cho các sinh vật dưới nước và xâm nhập vào chuỗi thức ăn, nước uống, không khí hít thở của con người.
Theo NY Post, các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa trong phổi, gan, thận, nhau thai, tinh dịch, sữa mẹ, máu... của con người. Trong đó, mức độ vi nhựa tìm thấy ở não cao hơn so với các cơ quan khác, tương đương khoảng một thìa nhựa vụn.
Những hạt vi nhựa có thể làm tổn thương tế bào, gây viêm, làm rối loạn chức năng các cơ quan và thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch. Việc tiếp xúc với những hạt cực nhỏ này gây nguy cơ gia tăng các cơn đau tim, đột quỵ cũng như một số loại ung thư.
Mặc dù gần như không thể tránh hoàn toàn vi nhựa, các chuyên gia cho biết vẫn có những cách để bạn hạn chế việc tiếp xúc với chúng.

Ảnh: iStock
Không uống nước từ chai nhựa
Theo dữ liệu ngành, nước đóng chai là loại đồ uống đóng gói được ưa chuộng nhất ở Mỹ vào năm ngoái, với hơn 61 tỷ lít nước được tiêu thụ, tăng 2% so với năm 2023. Mặc dù việc giữ cơ thể đủ nước là yếu tố then chốt của sức khỏe, bao bì đựng nước có thể cản trở điều đó.
Trong một nghiên cứu khoa học gần đây, các bác sĩ cho biết việc chuyển từ nước đóng chai sang nước máy đã lọc có thể giảm tới 90% lượng vi nhựa hấp thụ, từ 90.000 xuống còn 4.000 hạt mỗi năm.
Việc tiếp xúc với vi nhựa từ chai nhựa xảy ra khi các hạt nhỏ bong ra từ bề mặt bên trong của chai và đi vào nước, đặc biệt khi chai bị bóp mạnh hoặc tiếp xúc với nhiệt. Các chuyên gia khuyến nghị nên dùng chai nước bằng thép không gỉ có thể tái sử dụng và đổ nước lọc vào đó để giảm lượng vi nhựa tiêu thụ.
Chọn túi trà đúng loại
Một nghiên cứu của Canada vào năm 2019 cho thấy rằng khi pha một túi trà nhựa ở nhiệt độ khoảng 95°C có thể giải phóng khoảng 11,6 tỷ hạt vi nhựa và 3,1 tỷ hạt nhựa nano vào mỗi tách trà.
"Chúng tôi cho rằng đây là con số rất lớn so với các loại thực phẩm khác chứa vi nhựa", nhà nghiên cứu Nathalie Tufenkji tại Đại học McGill ở Quebec nói với tạp chí New Scientist. "Muối ăn, vốn được cho là có hàm lượng vi nhựa khá cao, chứa khoảng 0,005 microgam nhựa mỗi gram muối. Một tách trà có khối lượng nhựa cao hơn hàng nghìn lần, khoảng 16 microgam mỗi cốc".
Để tránh những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng từ việc tiêu thụ vi nhựa, các chuyên gia khuyên nên chọn trà túi giấy hoặc trà lá rời.
Đun sôi và lọc nước máy
Ở nhiều nền văn hóa, việc đun sôi nước trước khi uống là một truyền thống lâu đời hoặc là điều cần thiết để sinh tồn. Nghiên cứu cho thấy khi nói đến vi nhựa, phương pháp này cũng có thể rất quan trọng.
Một nghiên cứu năm 2024 phát hiện rằng việc đun sôi và lọc nước máy có thể giảm gần 90% lượng vi nhựa (và nhựa nano) có trong nước.
Khi nhiệt độ nước tăng lên, cặn vôi - lớp cặn trắng đọng lại trong ấm đun nước - sẽ tương tác với các hạt nhựa, hấp thụ và loại bỏ chúng khỏi nước. Tùy vào độ cứng hay mềm của nguồn nước, một số hạt nhựa cũng có thể bị mắc kẹt trong các mảnh khoáng chất kết tủa, vốn sẽ nổi lên trên bề mặt nước.
Theo thời gian, lớp cặn này có thể được chùi rửa dễ dàng. Ngoài ra, sau khi đun sôi, có thể lọc nức qua bằng bộ lọc cà phê gia đình để loại bỏ các tạp chất nổi, được gọi là "cặn kết tủa" (incrustants).
Một số hệ thống lọc nước tại nhà có khả năng loại bỏ các tạp chất không mong muốn, nhưng chi phí cao, khiến các nhà nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp đơn giản và khả thi hơn để giảm đáng kể việc tiêu thụ vi nhựa.
Không dùng thớt nhựa
Các nhà khoa học cho biết thớt nhựa là một nguồn vi nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết người sử dụng thớt nhựa có thể tiếp xúc với hàng triệu hạt nhựa do dao chém liên tục lên bề mặt thớt.
Họ ước tính rằng mỗi năm, việc sử dụng thớt bằng polypropylene (nhựa PP) tương đương với việc tiêu thụ 49,5 gram vi nhựa, trong khi thớt làm từ polyethylene có thể gây ra lượng vi nhựa lên đến 50,7 gram.
Ngoài việc giúp giảm tiếp xúc với vi nhựa, các chuyên gia cho biết thớt gỗ và thớt kim loại còn bền hơn, thân thiện với môi trường, dễ vệ sinh.
Tuyệt đối không dùng lò vi sóng để hâm nóng hộp nhựa
Việc hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa bằng lò vi sóng có thể giải phóng một lượng lớn hạt nhựa, trong một số trường hợp, lên đến hơn 2 tỷ hạt nhựa nano và 4 triệu hạt vi nhựa trên mỗi cm² hộp chỉ trong 3 phút đun nóng.
Các túi thực phẩm làm từ polyethylene (nhựa nhiệt dẻo - PE) thải ra nhiều hạt nhựa hơn so với các hộp nhựa làm từ polypropylene.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc bảo quản các hộp nhựa này trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng trong vòng 6 tháng cũng có thể giải phóng từ hàng triệu đến hàng tỷ hạt vi nhựa lẫn nhựa nano.
Để tránh tiếp xúc hạt vi nhựa, bạn nên bảo quản thực phẩm trong hộp thủy tinh hoặc inox và hạn chế tiêu thụ thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
Hướng Dương (Theo NY Post)