Vitamin C
Mặc dù vitamin C rất cần thiết cho khả năng miễn dịch và sản xuất collagen, liều lượng vitamin C cực cao (trên 2.000 mg mỗi ngày) có thể gây hại cho thận. Lạm dụng vitamin C dễ dẫn đến sự hình thành các tinh thể oxalat. Các tinh thể này có thể tích tụ trong thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp, gây tổn thương thận nghiêm trọng hơn. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có vấn đề về thận từ trước.
Một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng các chất bổ sung axit ascorbic có liên quan đến các trường hợp sỏi thận ở nam giới. "Các chất bổ sung axit ascorbic liều cao, một trong những chế phẩm vitamin được sử dụng phổ biến nhất, có liên quan đến nguy cơ hình thành sỏi thận tăng gấp 2 lần tùy theo liều lượng ở nam giới", các tác giả nghiên cứu kết luận.
Vitamin D
Vitamin D rất quan trọng cho sức khỏe xương và là một dưỡng chất thiết yếu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá mức vitamin D có thể gây tích tụ canxi trong máu (tăng canxi huyết). Mức canxi cao dễ dẫn đến sự vôi hóa trong thận, làm hư hại các mô và suy giảm chức năng.
Việc kết hợp các loại bổ sung liều cao với thực phẩm bổ sung canxi hoặc vitamin tổng hợp có thể làm tăng nguy cơ tiêu thụ quá mức. Các bác sĩ đã nhận ra nguy cơ của việc bổ sung khi một người đàn ông 54 tuổi ở Canada, được kê đơn liều cao, đã có mức creatinine trong máu tăng. Điều này cho thấy có thể đã có tổn thương thận và rối loạn chức năng.

Ảnh: Adobe Stock
Creatine
Những người tập gym và đam mê thể thao thường chọn bổ sung creatine để tăng cường cơ bắp và hiệu suất thể thao. Tuy nhiên, khi sử dụng liều cao, creatine có thể gây căng thẳng cho thận.
Do creatine làm tăng mức creatinine - một chất thải mà thận cần lọc - và có thể làm nặng thêm hoặc gây ra rối loạn chức năng thận. Những người đang gặp vấn đề sức khỏe có nguy cơ tăng creatinine cao hơn. Mặc dù creatine thường an toàn đối với những người khỏe mạnh, việc uống không đủ nước hoặc sử dụng thuốc kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng cho thận.
Thuốc bổ thảo dược
Thuốc bổ từ thảo dược thường được ưa chuộng bởi những người muốn sử dụng nguồn bổ sung "tự nhiên". Tuy nhiên, một số loại thảo dược như aristolochia, có trong nhiều sản phẩm giảm cân hoặc thanh lọc cơ thể, và rễ cam thảo có thể độc hại cho thận. Quỹ Thận Quốc gia (Mỹ) khuyến cáo nên tránh sử dụng các loại thảo dược này, đặc biệt nếu bạn có bệnh lý thận nền.
Thực phẩm bổ sung protein
Thực phẩm bổ sung protein là một con dao hai lưỡi. Trong khi có thể mang lại lợi ích cho một số người, nó cũng gây căng thẳng cho cơ thể. Các loại thuốc bổ protein là một phần thiết yếu trong chế độ ăn của những người đam mê thể dục thể thao, tuy nhiên, việc tiêu thụ quá mức có thể làm quá tải thận.
Lượng protein cao buộc thận phải bài tiết nitơ dư thừa, điều này có thể gây căng thẳng cho những người có chức năng thận suy yếu. Vì vậy, nên bổ sung protein từ các nguồn tự nhiên như thịt nạc, gia cầm, cá, trứng, sản phẩm từ sữa, các loại hạt và hạt giống, đậu cùng các sản phẩm từ đậu nành.
Lưu ý:
Trước khi bắt đầu bất kỳ loại bổ sung nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu bạn bị huyết áp cao, tiểu đường, hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận. Để giữ thận khỏe mạnh, hãy duy trì đủ nước, ăn chế độ ăn cân bằng ít muối và thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời nên thực hiện các biện pháp quản lý bệnh lý như tiểu đường và huyết áp cao thông qua thay đổi lối sống.
Mặc dù một chế độ ăn cân bằng là quan trọng để giữ thận khỏe mạnh, có những loại thực phẩm bạn nên tránh. Các loại nước giải khát có gas, thịt nguội chế biến sẵn, bơ, mayonnaise và các bữa ăn chế biến sẵn đông lạnh không phải là lựa chọn tốt cho thận. Thay vào đó, hãy thưởng thức các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất phù hợp. Các loại trái cây như dâu tây, táo, cam, anh đào, lựu, bông cải xanh, rau lá xanh và các loại hạt rất tốt cho sức khỏe thận. Nhưng hãy nhớ, mọi thứ đều cần điều độ.
Hướng Dương (Theo Times of India)