Vừa qua, thông tin gần 600 nhãn sữa giả được bán ra thị trường từ năm 2021 khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Các loại sữa giả này bao gồm sữa công thức cho trẻ nhỏ, sữa cho người tiểu đường, suy thận, phụ nữ mang thai.
Theo Times of India, sản phẩm sữa giả thường được sản xuất bằng cách thêm chất hóa học hoặc các thành phần không bảo đảm an toàn như nước, chất tẩy rửa, tinh bột, sữa tổng hợp, formalin, urê, chất tạo màu và cả chất tạo ngọt. Điều này làm suy giảm nghiêm trọng thành phần dinh dưỡng của sữa và có thể dẫn đến nhiều thay đổi về mặt cơ thể cho người tiêu dùng.
Vì vậy, việc nhận biết được sữa giả ngay tại nhà là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng nên "bỏ túi", tránh tiền mất tật mang.
Dưới đây là 5 cách phân biệt sữa giả dành cho bạn, theo Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI).

Ảnh minh họa: Sohu
1. Kiểm tra pha tạp tinh bột
Đối với thử nghiệm này, đun sôi 2-3 ml sữa và để nguội. Thêm 2-3 giọt dung dịch iốt vào sữa. Nếu sữa nguyên chất, màu sắc sẽ không thay đổi hoặc sẽ chuyển sang hơi vàng. Nếu sữa chuyển sang màu xanh lam, thì sữa đã bị pha tạp tinh bột.
2. Kiểm tra pha tạp chất tẩy rửa
Đối với thử nghiệm này, lấy 5 ml sữa cho vào một chiếc cốc trong suốt và thêm 5 ml nước. Lắc đều. Sữa nguyên chất sẽ không có bọt hoặc tạo bọt rất ít, trong khi sữa bị pha tạp chất tẩy rửa sẽ có bọt hoặc dạng bọt dai dẳng.
3. Kiểm tra sự hiện diện của formalin
Lấy 10 ml sữa cho vào ống nghiệm, nhỏ 2-3 giọt axit sunfuric đậm đặc dọc theo thành ống nghiệm mà không lắc. Nếu màu sữa không đổi, đó là sữa nguyên chất. Nếu trong ống nghiệm hình thành các vòng màu tím hoặc xanh lam, sữa đã bị pha trộn với formalin.
4. Kiểm tra sữa bị pha trộn với chất tẩy rửa tổng hợp
Cho 5 ml sữa và 5 ml nước vào ống nghiệm. Lắc đều. Nếu không tạo bọt ổn định, đó là sữa nguyên chất. Nếu dung dịch tạo bọt nhiều và không biến mất, sữa đã bị pha trộn với chất tẩy rửa tổng hợp.
5. Kiểm tra pha trộn urê
Lấy 5 ml sữa cho vào ống nghiệm. Thêm một lượng bột đậu nành tương đương lượng sữa vào. Lắc đều và để yên trong 5 phút. Nhúng một tờ giấy quỳ đỏ vào đó. Nếu giấy quỳ vẫn có màu đỏ, đó là sữa nguyên chất. Nếu giấy chuyển sang màu xanh, sữa đã bị pha trộn urê.
6. Kiểm tra sữa tươi bị pha trộn với nước
Đối với thử nghiệm này, nhỏ một giọt sữa lên một bề mặt trong suốt và nghiêng. Nếu giọt nước vẫn ở nguyên vị trí hoặc chảy chậm, để lại vệt trắng phía sau, đó là sữa tinh khiết. Còn nếu giọt nước rơi nhanh mà không để lại vệt, sữa đã bị pha nước.
Tác dụng phụ của sữa giả
Sữa giả hay sữa pha tạp gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe do các chất độc hại được thêm vào. Nó có thể gây đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn do chất gây ô nhiễm như chất tẩy rửa và các chất tổng hợp. Ngoài ra, việc sử dụng các chất pha tạp như urê và formalin có thể tăng gánh nặng cho thận dẫn đến tổn thương hoặc rối loạn chức năng lâu dài.
Ở một số người, nó có thể dẫn đến phản ứng dị ứng do một số chất pha tạp nhất định, dẫn đến phát ban da, ngứa hoặc các vấn đề về hô hấp. Các chuyên gia tin rằng việc sử dụng formalin có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương gan và tử vong khi tiếp xúc kéo dài. Một số chất pha tạp có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Và cuối cùng, việc tiêu thụ sữa pha tạp trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận và ung thư.
>> Xem thêm 5 thói quen tưởng lành mạnh khiến bạn chóng già
Hằng Trần (Theo Times of India)