6 tác nhân thường gặp gây hại hệ hô hấp

Hệ hô hấp gồm mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang, lồng ngực cùng các cơ hô hấp tham gia vào quá trình hô hấp. Chúng phối hợp với nhau để luân chuyển oxy đi khắp nơi trong cơ thể đồng thời loại bỏ khí thải như carbon dioxide.

TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, chuyên khoa hô hấp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết từng bộ phận của hệ hô hấp thực hiện chức năng khác nhau để duy trì hoạt động hít thở, phát ra âm thanh, giúp khứu giác nhạy bén... Tuy nhiên, hệ hô hấp cũng dễ bị tổn thương, mắc bệnh bởi nhiều tác nhân bên ngoài.

Virus, vi khuẩn: Đây là những tác nhân bên ngoài phổ biến nhất gây ra các bệnh đường hô hấp. Nếu mắc bệnh đường hô hấp do virus, người bệnh có thể bị chảy nhiều dịch mũi loãng, trong. Trường hợp tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, người bệnh có biểu hiện như chảy dịch mũi màu xanh hoặc vàng, đặc, có thể có mùi hôi.

Bác sĩ Mai Khuê khám và tư vấn cho người bệnh hô hấp. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Bác sĩ Mai Khuê tư vấn cho người bệnh hô hấp. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Thời tiết, khí hậu: Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm trong không khí thay đổi, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, virus, nấm mốc trong môi trường sinh sôi mạnh. Cơ thể không thích nghi kịp dễ bị suy giảm miễn dịch. Đây là cơ hội để tác nhân xâm nhập, gây bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, cảm lạnh... Thời tiết cũng là tác nhân làm khởi phát viêm mũi dị ứng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Độc tố trong không khí: Hóa chất độc hại, khói thuốc lá, khói thải ra từ phương tiện giao thông, nhà máy, bụi mịn có trong không khí khi xâm nhập vào đường hô hấp dễ dẫn đến viêm nhiễm. Các loại khói có thể gây viêm mạn tính đường hô hấp như viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... cũng có thể lắng đọng trong phổi bệnh phổi mô kẽ, kích hoạt tình trạng dị ứng của đường hô hấp.

Không gian kín, kém thông khí: Môi trường sống, ngủ nghỉ, làm việc bí bách, không khí kém lưu thông, tù đọng, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc sinh sôi. Đây còn là môi trường thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn lây truyền qua đường hô hấp hoặc giọt bắn dễ lây từ người nhiễm sang người lành.

Thiếu ánh nắng: Ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn hoặc ức chế, làm giảm tốc độ sinh trưởng, phát triển của nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm mốc độc hại. Thiếu ánh nắng mặt trời tạo điều kiện cho chúng có cơ hội phát triển ảnh hưởng xấu hệ hô hấp, sức khỏe tổng thể.

Viêm đường hô hấp do chấn thương: Những chấn thương có thể gây viêm hoặc bệnh lý khác đường hô hấp. Ví dụ, tai nạn gãy xương sườn có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi, tràn khí màng phổi. Thủng ngực cũng dẫn đến bệnh viêm phổi. Chấn thương làm lệch vách ngăn mũi gây viêm mũi.

Bác sĩ Mai Khuê cho biết các công nghệ, máy móc chuyên dụng hiện đại hỗ trợ chẩn đoán nhanh, hiệu quả cao các bệnh đường hô hấp. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh chụp X-quang kỹ thuật số treo trần cao cấp, chụp CT 1975 lát cắt và 768 lát cắt, máy đo hô hấp ký, các xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm, nội soi phế quản bằng ống mềm... Tùy tình trạng, cơ địa người bệnh và bệnh nền kèm theo, bác sĩ có thể điều trị đa mô thức giúp mang đến hiệu quả cao, an toàn.

Để bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp, bác sĩ Mai Khuê khuyến cáo tránh xa khói thuốc lá, hạn chế hoặc không đến nơi xảy ra ô nhiễm môi trường, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Tập luyện hoặc vận động dưới ánh nắng mặt trời với cường độ, thời gian phù hợp. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc họng, rửa mũi bằng nước muối.

Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ mắc hoặc giảm nhẹ triệu chứng các bệnh đường hô hấp như cảm cúm, viêm phổi phế cầu, hợp bào hô hấp, ho gà. Mỗi người nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1-2 lần mỗi năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý mắc phải để có biện pháp điều trị kịp thời.

Trường Giang