7 cách phòng ngừa suy hô hấp

Suy hô hấp có thể xảy ra do tổn thương, bất thường tại phổi, đường thở, ảnh hưởng đến cơ, mô, dây thần kinh hỗ trợ hô hấp.

BS.CK2 Mã Thanh Phong, Trưởng Đơn vị Hô hấp, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân ở phổi có thể gây suy hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi, thuyên tắc động mạch phổi, xơ phổi. Các nguyên nhân ngoài phổi thường do tắc nghẽn khí quản, thanh quản, tràn dịch màng phổi, chấn thương lồng ngực, tổn thương hệ thần kinh.

Bác sĩ đang khám cho người bệnh hô hấp. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Bác sĩ khám cho người bệnh hô hấp. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Suy hô hấp có thể gây biến chứng nguy hiểm như loạn nhịp tim, tổn thương não, phổi, suy thận. Bác sĩ Phong gợi ý một số cách dưới đây để phòng bệnh.

Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khói thuốc lá gây hẹp đường dẫn khí, viêm mạn tính, dẫn đến viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi.

Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất phù hợp tăng cường chức năng phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống. Người lớn, trẻ em nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn để phòng ngừa suy hô hấp. Người có tiền sử bệnh phổi nên thảo luận với bác sĩ để có biện pháp cải thiện sức khỏe tổng thể, rèn luyện, kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Hạn chế cồn, đảm bảo giấc ngủ: Cắt giảm hoặc không uống rượu bia, duy trì chế độ ăn uống khoa học, giảm căng thẳng, kiểm soát cân nặng, ngủ đủ giấc là những cách hữu hiệu hỗ trợ hệ hô hấp.

Cẩn trọng dấu hiệu nhiễm trùng: Nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, hoặc ho có nhiều đờm... người bệnh cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Tuân thủ phác đồ điều trị: Sử dụng thuốc, tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để duy trì sức khỏe của phổi, tim. Những trường hợp cần thiết thì duy trì sử dụng thiết bị hỗ trợ như máy áp lực đường thở dương liên tục.

Tiêm ngừa vaccine: Tiêm ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn, Hib, não mô cầu khuẩn, cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp, suy hô hấp.

Trường hợp mắc bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bác sĩ có thể hỗ trợ giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua phác đồ điều trị dài hạn.

Thành An

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp