Hơi thở nặng mùi không chỉ gây mất tự tin mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe. Từ thói quen sinh hoạt đến các bệnh lý, dưới đây là 7 nguyên nhân phổ biến khiến hơi thở có mùi nặng hơn.
1. Mọc răng khôn hoặc sâu răng
Răng khôn rất khó để làm sạch vì chúng ở trong góc khuất và dễ tích tụ thức ăn, dẫn đến hôi miệng. Sâu răng là kết quả của sự tích tụ lâu dài thức ăn trong miệng, vi khuẩn sẽ sinh sôi và tạo ra mùi hôi.
2. Cao răng
Đối với những người chưa bao giờ hoặc vài năm chưa lấy cao răng, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng. Mảng bám trên răng sẽ hình thành cao răng thông qua sự lắng đọng các muối vô cơ trong nước bọt hoặc dịch kẽ nướu. Sau khi tích tụ lâu ngày sẽ gây hôi miệng.
Cao răng không dễ loại bỏ bằng cách súc miệng, đánh răng... Cách loại bỏ hiệu quả là đến nha sĩ lấy cao răng.
3. Không vệ sinh lưỡi
Ngoài răng, lưỡi cũng cần được làm sạch thường xuyên. Có hàng ngàn nhú nhỏ li ti trên bề mặt lưỡi và các hạt thức ăn vướng vào đó cũng tạo ra mùi do hoạt động của vi khuẩn.
Nghiên cứu cho thấy đánh lưỡi thường xuyên có thể làm giảm tải lượng vi khuẩn trên lớp phủ lưỡi một cách hiệu quả, giảm đáng kể việc sản xuất các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và do đó ngăn hôi miệng.
4. Hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc sẽ khiến hơi thở có mùi nặng hơn. Chất nicotine trong thuốc lá có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong miệng. Khi vi khuẩn có lợi bị kiểm soát và vi khuẩn có hại sinh sôi, mùi hôi miệng ngày càng trầm trọng.
Ngoài việc làm gia tăng tình trạng hội miệng, hút thuốc còn có thể khiến răng bị ố vàng, tổn thương nướu và gây viêm nha chu.
5. Sỏi amidan
Sỏi amidan được hình thành do quá trình vôi hóa dần dần của cặn thức ăn và dịch tiết tích tụ trong các hốc amidan. Trên thực tế, chỉ có khoảng 10% số người bị sỏi amidan và hầu hết sỏi amidan thường rất nhẹ. Chỉ một số ít người bị hôi miệng trầm trọng vì lý do này.
Cách để loại bỏ sỏi amidan là hãy súc miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn hoặc khi giao mùa.
6. Viêm mũi xoang
Bị viêm mũi xoang lâu ngày sẽ tiết ra vi khuẩn kỵ khí, mủ từ khoang mũi sẽ chảy ngược vào vòm họng và tích tụ tại đó. Đây là nguyên nhân lớn gây hôi miệng ở nhiều người. Đồng thời, người viêm mũi thường nghẹt mũi, không thể thở bằng miệng, ảnh hưởng đến việc tiết nước bọt ở miệng. Khô miệng cũng có thể làm trầm trọng hơn vấn đề hôi miệng. Nếu bị viêm mũi, bạn nên điều trị kịp thời và dứt điểm.
7. Nhịn xì hơi
Đôi khi trong cuộc sống sẽ có lúc bạn cần nhịn xì hơi. Một phần của hơi bị giữ lại sẽ được ruột tái hấp thu, theo hệ tuần hoàn máu về gan xử lý, sau đó đi qua tim, đến phổi. Cuối cùng, hơi sẽ thoát ra ngoài cùng hơi thở của bạn.
Nếu mùi xì hơi đã rất khó chịu thì mùi thở ra từ miệng sẽ càng khó chịu hơn. Vì vậy, cố gắng đừng nhịn xì hơi quá nhiều.
Phạm Linh (Theo qq)