9 món giúp giảm mỡ nội tạng nên ăn thường xuyên

Mỡ nội tạng là loại mỡ bao quanh các cơ quan quan trọng trong bụng, có vai trò bảo vệ cơ quan này và cách nhiệt. Tuy nhiên, quá nhiều mỡ nội tạng dễ làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đột quỵ, béo phì, tiểu đường... Ăn các món lành mạnh có thể hạn chế mỡ tích tụ.

Trứng được dùng để chế biến thành nhiều món ăn, có thể làm bữa sáng, trưa hoặc tối. Nó ít calo nhưng nhiều protein và các chất dinh dưỡng quan trọng, làm tăng cảm giác no, từ đó hạn chế lượng calo tiêu thụ trong ngày.

Trái cây có nhiều chất xơ và ít calo. Lượng calo tổng thể thấp không làm tăng tích tụ mỡ cũng như tăng cân không mong muốn. Chế độ ăn nhiều chất xơ góp phần giúp no lâu, ngăn cảm giác thèm đồ ngọt. Để quá trình đốt cháy mỡ tốt hơn, người thừa cân nên chọn trái cây có lượng đường tự nhiên thấp như táo, ổi, xoài xanh, bưởi. Hạn chế trái cây có chỉ số đường huyết cao như sầu riêng, mít, xoài chín...

Đậu phộng làm giảm cơn đói, góp phần ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng cao, kiểm soát sự thèm ăn - yếu tố quan trọng để tránh tích tụ mỡ nội tạng. Loại đậu này còn chứa chất béo tốt cho tim. Rang một ít đậu phộng và mang theo bên người để làm món ăn nhẹ bổ dưỡng.

Đậu phộng giàu protein ngăn ngừa cơn đói. Ảnh: Anh Chi

Đậu phộng giàu protein ngăn ngừa cơn đói. Ảnh: Anh Chi

có hàm lượng cao protein và axit béo thiết yếu tốt cho tim mạch và não. Cả protein và chất béo đều quan trọng trong quá trình giảm cân vì giúp người ăn no lâu hơn. Cá chứa nhiều canxi, các loại vitamin và khoáng chất có vai trò kích thích tăng trưởng chiều cao cũng như kiểm soát cân nặng. Omega-3 dồi dào trong cá béo hỗ trợ đốt mỡ, cải thiện sức khỏe tim mạch.

Rau xanh giàu chất xơ và ít calo. Lượng calo tổng thể thấp hơn không làm tăng cân, duy trì cân nặng ổn định. Nên chọn các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải bắp, cải ngồng vì nhiều chất chống oxy hóa cơ lợi.

Khoai lang có tác dụng đốt cháy mỡ vì có nhiều chất xơ cellulose, làm tăng khả năng hấp thụ nước trong đường tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, hỗ trợ đào thải chất béo và mỡ nội tạng. Khoai lang chứa cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan, rất tốt cho sức khỏe tiêu hóa và tim mạch. Nam giới nên ăn 38 g chất xơ mỗi ngày và phụ nữ nên tiêu thụ 25 g chất xơ mỗi ngày

Thực phẩm lên men như dưa cải bắp, kimchi, chứa vi khuẩn lành mạnh, hỗ trợ giảm viêm và cải thiện tình trạng kháng insulin. Cải thiện hệ vi sinh đường ruột là yếu tố có thể thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ trong cơ thể.

Sữa chua Hy Lạp cung cấp hàm lượng protein và lợi khuẩn dồi dào. Nó giúp hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng, phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức đề kháng, góp phần ngăn mỡ nội tạng tích tụ.

Protein nạc như thịt gà giúp no lâu, tăng cường năng lượng và sức khỏe cơ bắp, thúc đẩy quá trình trao đổi chất tốt hơn. Người trưởng thành nên ăn 25-30 g protein trong mỗi bữa ăn để hỗ trợ giảm cân. Thịt nạc có lượng chất béo rất thấp, ít gây thừa cân.

Anh Chi (Theo WebMD, Health)

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp