Acetonitrile biến thành xyanua trong cơ thể gây ngộ độc thế nào

Ngày 25/12, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết Acetonitril - nguyên nhân khiến 22 người ngộ độc trong bữa tiệc ở Long Biên, Hà Nội, là một nitril hữu cơ, được sử dụng chủ yếu để làm dung môi chạy HPLC (phương pháp sắc ký) trong chiết xuất dược liệu, pin lithium, phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong phòng thí nghiệm. Nó không phải là thành phần tự nhiên trong rượu.

"Vào cơ thể, acetonitrile được chuyển hóa thành xyanua là một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng", ông Thỉnh nói, giải thích thêm nhiệt độ 37 độ C cùng dung môi trong dạ dày tạo điều kiện acetonitrile nhanh chóng chuyển hóa. Xyanua được hình thành và thấm vào ruột non, vào máu, làm tê liệt thần kinh, bệnh nhân tử vong nhanh.

Mức độ phơi nhiễm càng nghiêm trọng thì triệu chứng và hậu quả càng nghiêm trọng. Liều có thể gây tử vong của acetonitrile là 1-3 mg/kg hoặc nồng độ trong máu 3 mg/l. Nạn nhân sẽ tử vong ngay lập tức nếu hít khí có chứa xyanua với nồng độ trong không khí đạt 270 ppm, hoặc chết trong vòng 30 phút khi nồng độ 110 ppm.

Một bệnh nhân nặng trong vụ ngộ độc ở Long Biên tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà

Một bệnh nhân nặng trong vụ ngộ độc ở Long Biên, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà

Xyanua trong môi trường tự nhiên có thể nhiễm vào cơ thể qua da hấp thụ, hoặc ăn uống, hít thở, chích thẳng vào máu. Xyanua ức chế hô hấp tế bào, ngăn cản quá trình hấp thụ oxy của tế bào, khiến tế bào chết đi. Chúng tác dụng rất nhanh, mạnh vào hệ hô hấp và thần kinh gây nhiễm độc cấp tính.

Người trúng độc xyanua thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, lơ mơ, có khi co giật hôn mê, đau bụng, buồn nôn. Lúc đầu nạn nhân thở nhanh, nhịp tim tăng, sau đó trụy tim mạch, tụt huyết áp, không cấp cứu kịp thời sẽ ngưng tim, ngưng thở. Người sống sót sau ngộ độc xyanua nặng có thể bị di chứng thần kinh như có biểu hiện của Parkinson, vận động chậm, co cứng cơ...

Một số triệu chứng trên đã xảy ra với 22 người dự tiệc và uống rượu tự mang đến trong một hội nghị diễn ra ở Long Biên hôm 19/12. Hậu quả là hai người chết, 20 người nhập viện trong đó 16 người còn đang điều trị với tình trạng nặng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chiều 24/12 công bố kết quả xét nghiệm cho thấy hai mẫu rượu trắng lấy tại tiệc có chứa hóa chất acetonitrile. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanide, trong khi hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính. Cơ quan chức năng kết luận bệnh nhân ngộ độc acetonitrile, song hiện chưa công bố vì sao hóa chất này có trong rượu.

Câu hỏi "tại sao rượu có acetonitrile" đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra. Trong khi chờ kết luận, ông Thịnh giả thiết can đựng rượu trước đó có thể chứa acetonitrile, khi tái sử dụng để đựng rượu thì chưa được làm sạch. Vì vậy, ông khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tái sử dụng bình, can, chai đựng hóa chất để đựng nước, rượu hay thực phẩm. Ngoài ra, dịp cuối năm nhiều tiệc tùng, cần cẩn trọng khi uống rượu, bởi rượu không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong.

Lê Nga