Ăn nhiều đường có gây loãng xương?

Trả lời:

Ăn nhiều đường có thể dẫn đến loãng xương do làm tăng tình trạng viêm, tăng insulin máu, giảm lượng canxi nạp vào và tăng bài tiết canxi qua nước tiểu.

Loãng xương là tình trạng xương mỏng dần và mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và gãy xương dù chỉ với chấn thương nhẹ. Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy giảm mật độ xương. Song tình trạng này có thể xảy ra do một số yếu tố khác như mãn kinh, sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài, ít vận động, suy dinh dưỡng... Chế độ dinh dưỡng không khoa học, tiêu thụ nhiều đường là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nguy cơ loãng xương. Ảnh: Phi Hồng

Ăn thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nguy cơ loãng xương. Ảnh: Phi Hồng

Đường tinh luyện được cơ thể hấp thụ dễ dàng và nhanh chóng, làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, dẫn đến tăng đường trong nước tiểu, gây giảm hấp thu canxi ở thận và giảm canxi máu. Một người trưởng thành bình thường cần cung cấp cho cơ thể 800 UI vitamin D và 1.000 mg canxi mỗi ngày. Tiêu thụ quá nhiều đường làm gián đoạn quá trình hấp thụ và vận chuyển canxi, chuyển đổi, hấp thu vitamin D để tạo xương.

Thiếu hụt những khoáng chất này làm giảm sự tăng sinh của tế bào tạo xương và tăng hoạt động của tế bào hủy xương. Từ đó, suy yếu quá trình hình thành xương mới, thúc đẩy tình trạng loãng xương phát triển. Tăng đường máu cũng gia tăng phản ứng viêm và ức chế trực tiếp hoạt động của các tế bào tạo xương, góp phần giảm mật độ xương.

Bác sĩ Tuấn Anh giải thích về tình trạng loãng xương của người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Bác sĩ Tuấn Anh giải thích về tình trạng loãng xương của người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Tiêu thụ quá nhiều đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe xương mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, tim mạch, ung thư, trầm cảm... Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, cắt giảm đường bằng cách hạn chế thức uống có đường như nước ngọt, trà sữa và đồ uống thể thao..., và thay bằng nước lọc. Tránh thêm đường hoặc siro vào thức ăn hoặc đồ uống. Thay vào đó, hãy thử thêm trái cây tươi như chuối, nho. Hạn chế sản phẩm bổ sung đường như bánh mì, bánh, kẹo, kem, mứt và thức ăn nhanh.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, để phòng ngừa loãng xương, bạn nên thường xuyên vận động, thận trọng khi sinh hoạt và làm việc để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc, dùng thuốc (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ, khám sức khỏe, đo mật độ xương định kỳ.

ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh
Khoa Nội cơ xương khớp
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp