Cơ bắp phát triển khi các sợi cơ bị tác động đủ mạnh để hình thành những vết rách nhỏ, sau đó cơ thể sẽ tự phục hồi và tăng cường vùng đó khỏe, săn chắc hơn.
Mặc dù đi bộ không tạo áp lực mạnh lên cơ như luyện tập với tạ, nếu đi nhanh, lên dốc hoặc đi trong thời gian dài, nó vẫn tạo ra đủ lực để kích hoạt quá trình củng cố cơ ở một số nhóm chính. Điều này rất lý tưởng cho những người bận rộn hoặc muốn kết hợp vận động nhẹ nhàng vào thói quen hàng ngày để bổ trợ cho các bài tập nặng tại phòng gym.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị mỗi người nên có ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải mỗi tuần, ví dụ như đi bộ nhanh. Điều này đồng nghĩa chỉ cần dành ra 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần là bạn đã bắt đầu thấy được lợi ích rõ rệt. 3 nhóm cơ dưới đây sẽ trở nên săn chắc hơn nhờ đi bộ:

Ảnh: Deposit Photos
1. Cơ mông (Glutes)
Khi đi bộ, nhóm cơ mông, đặc biệt là cơ mông lớn, hoạt động nhiều hơn chúng ta tưởng. Đây là cơ lớn nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm chính trong việc duỗi hông mỗi khi bạn bước chân ra sau. Nó cũng giúp làm chậm chuyển động của chân khi bàn chân chạm đất, giúp kiểm soát chuyển động và giữ thăng bằng.
Bên cạnh đó, còn có cơ mông nhỡ và cơ mông bé - hai cơ nhỏ hơn nằm sâu bên trong hông - đóng vai trò không kém quan trọng. Chúng giúp đưa chân bạn nhẹ nhàng sang bên và đặc biệt giữ cho khung chậu ổn định mỗi khi bạn nhấc một chân lên để bước. Nếu hai cơ này không làm tốt nhiệm vụ, hông có thể bị lệch sang một bên, dễ gây mất thăng bằng, đau lưng dưới hoặc đau đầu gối.
2. Cơ lưng (Back muscles)
Đi bộ cũng kích hoạt các cơ lưng, đặc biệt là nhóm cơ chạy dọc hai bên cột sống từ đáy sọ đến xương chậu. Nhóm cơ này giúp bạn đứng thẳng, ngả người ra sau và giữ cho cột sống ổn định khi di chuyển.
Trong khi đi bộ, nhóm cơ chạy dọc hai bên cột sống làm việc liên tục để kiểm soát chuyển động phần thân trên, giúp bạn giữ tư thế đúng và thăng bằng khi chuyển trọng lượng từ chân này sang chân kia.
Nghiên cứu cho thấy những người bị đau lưng mãn tính có mức độ hoạt động cao hơn ở nhóm cơ này khi đi bộ so với người không bị đau. Điều này được cho là một cơ chế tự bảo vệ, giúp ổn định cột sống và giảm đau.
3. Cơ bụng (Abdominal muscles)
Khi nghĩ đến cơ bụng, nhiều người chỉ hình dung đến 6 múi, nhưng trên thực tế cơ bụng có vai trò quan trọng hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Nhóm cơ này kéo dài từ xương sườn và xương ức đến tận xương chậu, tạo thành trụ cột nâng đỡ toàn bộ phần thân trên.
Cơ bụng hỗ trợ các chuyển động hàng ngày như xoay người, ngồi dậy từ tư thế nằm, và giữ thăng bằng. Khi đi bộ, cơ bụng hoạt động liên tục để ổn định phần thân, giống như cơ lưng.
Việc nhẹ nhàng siết cơ bụng khi đi bộ, ví dụ như hóp nhẹ bụng vào, không chỉ giúp cải thiện tư thế, mà còn làm cho bước đi của bạn mượt mà, hiệu quả hơn. Điều này giúp giảm áp lực lên lưng dưới và tăng khả năng giữ thăng bằng.
Các chuyên gia thường gọi vùng cơ bụng, hay cơ lõi, là "trạm năng lượng của cơ thể" vì nó đóng vai trò trung tâm trong hầu hết mọi chuyển động của tay chân.
Hướng Dương (Theo Times of India)