Chị P., 46 tuổi, vợ người hiến tạng, cho biết: "Khi được bác sĩ thông báo rằng chồng tôi không còn khả năng hồi phục, gia đình đã rất đau lòng. Tôi cũng đã trình bày nguyện vọng của chồng nếu mất, anh muốn hiến tạng để cứu người. Nếu có thể cứu được người khác, để một phần anh được sống tiếp, thì đó là điều tốt đẹp nhất".
Đến 2h sáng ngày 8/4, ca ghép tim và hai ca ghép thận, ghép gan đã được thực hiện thành công, mang lại sự sống và hy vọng cho các bệnh nhân. "Giờ đây, khi biết có những người đã được ghép gan, ghép thận, và có cơ hội sống, chúng tôi cảm thấy được an ủi phần nào", chị P. nói.

Đội ngũ y bác sĩ dành một phút mặc niệm trước khi tiến hành ca ghép tạng. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Quân Y 175, TP HCM, cho biết bệnh nhân N.T.T, 50 tuổi, được chẩn đoán chết não do đột quỵ xuất huyết não diện rộng, biến chứng phù não nặng hôm 7/4. Bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia và các bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Trung ương Huế, để tiến hành ca ghép tạng. Toàn bộ quy trình chuyên môn - từ xác nhận chết não, hội chẩn, hoàn thiện hồ sơ pháp lý đến lấy tạng - được triển khai khẩn trương, nghiêm túc và đúng quy định pháp luật.
Trong ca phẫu thuật chiều cùng ngày, 100 y bác sĩ, kỹ thuật viên cùng phối hợp để lấy thành công nhiều mô tạng, bao gồm hai quả thận, gan (chia 2 thùy), tim và hai giác mạc. Những tạng này đã ngay lập tức được vận chuyển đến các bệnh viện tiếp nhận để tiến hành ghép tạng.

Các bác sĩ lấy giác mạc bệnh nhân chết não để ghép tạng. Ảnh: BVCC
Tuy từng thực hiện gần 50 ca ghép thận, đây là lần đầu tiên Bệnh viện Quân y 175 thực hiện thành công quy trình khép kín ghép tạng, từ tiếp nhận người hiến chết não, xác định chết não, lấy tạng đến thực hiện ca ghép thận ngay tại chỗ.
Thiếu tướng, TS, TTND Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết: "Hôm nay là một ngày đặc biệt, đánh dấu ca lấy - ghép tạng đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Quân y 175. Hiện nay, nhu cầu ghép tạng là rất lớn, trong khi số người hiến vẫn còn rất khiêm tốn. Ghép tạng là câu chuyện chuyên môn, nhưng hiến tạng là một hành động nhân văn, là câu chuyện của xã hội - của những con người sẵn sàng trao đi một phần cơ thể mình để mang lại sự sống cho người khác. Gia đình người hiến hôm nay đã làm một điều vô cùng có ý nghĩa mà không phải ai cũng có thể làm được. Chúng tôi xin tri ân nghĩa cử cao đẹp này".

Bác sĩ Trần Quốc Việt, giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cảm kích trước hành động hiến tạng của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Tuần trước, Bộ Y tế đề xuất cho phép người dưới 18 tuổi được hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, song phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện hợp pháp. Đề xuất này được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiến tạng, đang được lấy ý kiến góp ý đến 19/5.
Hiện nay, chỉ những người từ 18 tuổi trở lên, có đủ khả năng nhận thức và hành vi, mới được phép hiến mô hoặc bộ phận cơ thể khi còn sống hoặc sau khi qua đời.
Đối với việc hiến tạng khi còn sống, người đủ 30 tuổi trở lên có thể hiến bộ phận cơ thể cho bất kỳ đối tượng nào mà không cần chỉ định cụ thể người nhận. Trong khi đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên có thể hiến tặng cho cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái. Riêng trường hợp hiến mô, người từ 16 tuổi trở lên đã có thể hiến, nhưng nếu dưới 18 tuổi, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện hoặc giám hộ hợp pháp.
Hướng Dương