Bệnh vảy nến và các biến chứng

Vảy nến là bệnh tự miễn dịch, có thể gây ra nhiều biến chứng với cơ thể. Ngoài đặc trưng là các vảy trắng bong tróc trên da, tình trạng viêm toàn thân cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan khác. Nếu không được điều trị, viêm có thể lan rộng và gây ra những thay đổi ở móng tay, khớp, mắt, não, thận, tim, tuyến tụy và mạch máu.

Bệnh vảy nến móng

Bệnh vảy nến móng là bệnh đi kèm phổ biến nhất (bệnh đồng mắc) ở những người bị bệnh vảy nến. Theo một bài đánh giá năm 2017 trên tạp chí Psoriasis, không dưới 50% người bệnh vảy nến có dấu hiệu tổn thương móng tại thời điểm chẩn đoán, trong khi 90% gặp phải những thay đổi đáng kể ở móng tại một thời điểm nào đó trong đời.

Các triệu chứng của bệnh vảy nến móng bao gồm rỗ móng, móng dày lên (sừng hóa dưới móng), các đường gờ ngang trên móng, các chấm vàng đỏ bên dưới móng, mảng trắng trên móng, đường đen nhỏ bên dưới móng do mao mạch vỡ, móng giòn và dễ vỡ, đỏ ở phần gốc móng.

Nếu được điều trị phù hợp, bệnh vảy nến móng có thể khỏi trong vòng vài tháng, móng tay nhanh hồi phục hơn móng chân.

Bàn tay một bệnh nhân mắc vảy nến. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bàn tay một bệnh nhân mắc vảy nến. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm khớp vảy nến

Theo một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Pennsylvania, Mỹ, viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến 6-41% số người bệnh vảy nến. Khoảng 85% số người bị viêm khớp vảy nến cũng mắc bệnh vảy nến.

Các triệu chứng có thể khác nhau tùy từng người bao gồm đau, sưng hoặc cứng ở một hoặc nhiều khớp, đỏ và nóng khớp, sưng ngón tay hoặc ngón chân. Viêm khớp vảy nến thường không đối xứng (chỉ ảnh hưởng đến một khớp ở một bên cơ thể), nhưng có thể trở nên đối xứng (ảnh hưởng đến cùng một khớp ở cả hai bên cơ thể) trong những trường hợp nghiêm trọng.

Viêm khớp vảy nến cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống, gây viêm cột sống dính khớp hoặc gây tổn thương nghiêm trọng đến các khớp xa (những khớp gần móng nhất) của ngón tay và ngón chân.

Các vấn đề về mắt

Hầu hết các vấn đề về mắt liên quan đến bệnh vảy nến đều do viêm bờ mi (viêm mí mắt) gây ra. Lúc này, mí mắt có thể nhấc lên hoặc dịch chuyển bất thường, gây khô mắt, nóng rát và ngứa. Viêm bờ mi có thể dẫn đến viêm kết mạc (đau mắt đỏ) và viêm màng bồ đào (viêm phần sắc tố của mắt). Nếu không được điều trị, cả hai tình trạng này đều có thể làm suy giảm đáng kể thị lực.

Rối loạn tâm trạng

Mắc bệnh vảy nến có thể gây ra chứng trầm cảm, đặc biệt là nếu các triệu chứng nghiêm trọng và không được kiểm soát.

Theo một đánh giá năm 2015 từ Đại học Iowa, Mỹ, có bằng chứng cho thấy các đợt bùng phát bệnh vảy nến cấp tính có thể kích hoạt phức hợp nội tiết tố trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA). Điều này có thể gây ra tình trạng tiết quá mức cortisol, một chất thường được gọi là "hormone căng thẳng". Trong các đợt bùng phát vảy nến, tình trạng tăng tiết cortisol có thể tăng gấp 100 lần, làm bão hòa các thụ thể trong não liên quan đến tâm trạng và nhận thức.

Bệnh tim mạch

Bệnh vảy nến nặng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tình trạng viêm mạn tính liên quan đến bệnh vảy nến có thể gây ra tình trạng dày lên của các mô (tăng sản) ở da và các cơ quan khác. Khi ảnh hưởng đến mạch máu, nó có thể kích hoạt sự phát triển của xơ vữa động mạch (còn gọi là xơ cứng động mạch) và tăng huyết áp, cả hai đều gây nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Viêm cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nhìn chung, các yếu tố này là nguyên nhân gây ra tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn ở những người bị vảy nến nặng.

Một bài đánh giá năm 2017 trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế cho thấy bệnh vảy nến nặng làm tăng nguy cơ đau tim từ 20-70% và nguy cơ đột quỵ 12-56%.

Ung thư

Bệnh vảy nến giống như viêm khớp dạng thấp, từ lâu đã được cho là có liên quan đến tăng nguy cơ mắc u lympho - một loại ung thư ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu. Nghiên cứu hiện nay cho thấy tình trạng viêm vảy nến có thể làm hỏng DNA tế bào và thúc đẩy sự phát triển của các loại ung thư khác nhau.

Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí JAMA Dermatology cho thấy bệnh vảy nến, với tư cách là một yếu tố nguy cơ độc lập, làm tăng 34% nguy cơ mắc u lympho, 15% ung thư phổi, 12% ung thư da không phải u hắc tố. Nguy cơ mắc một loại u lympho được gọi là u lympho tế bào T ở da cũng cao gấp 4 lần so với dân số nói chung.

Người bệnh vảy nến nên đi khám, điều trị sớm và đúng cách để kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng hơn là chỉ ở da. Dù không có cách chữa khỏi vảy nến, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả bằng việc kết hợp các biện pháp tự chăm sóc, dùng thuốc và liệu pháp ánh sáng cực tím (UV).

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp