Sống đến 100 tuổi là điều hiếm thấy. Chỉ 0,03% dân số Mỹ là người trăm tuổi, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Tuy nhiên, Pew dự đoán con số này sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2054 do tuổi thọ tăng.
Gene, môi trường và may mắn đóng vai trò quan trọng, nhưng lối sống cũng góp phần thiết yếu giúp một người sống lâu. Dưới đây là thói quen ăn uống của 8 người trăm tuổi ở nhiều quốc gia mà Business Insider tổng kết.
Ăn thực phẩm tươi, nguyên chất và hạn chế thịt
Nhiều người trăm tuổi ăn nhiều thực phẩm tươi, nguyên chất và ít thịt. Deborah Szekely, 102 tuổi, là người ăn chay trường và tự trồng rau tại trang trại ở Baja California, Mexico, nơi bà vẫn làm việc. Pearl Taylor, cũng 102 tuổi, sống ở Dayton, Ohio, Mỹ cho biết bà chủ yếu ăn chay và thỉnh thoảng ăn thịt. Bà thường xuyên uống nước ép rau xanh tự làm, gồm nha đam, cần tây, mùi tây, gừng và nước được làm ngọt bằng Splenda.
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Louise Jean Signore, người cao tuổi thứ hai ở New York, Mỹ, 112 tuổi, theo chế độ ăn Địa Trung Hải, giàu thực phẩm nguyên chất như trái cây, rau, đậu và dầu ô liu. Bà ăn salad, trái cây và rau mỗi tối, thêm nước sốt cà chua, tỏi hoặc dầu ô liu vào tất cả các bữa ăn chính.
Chế độ ăn Địa Trung Hải được coi là cách ăn uống lành mạnh nhất, được nghiên cứu chứng minh cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cân và ngăn ngừa suy giảm nhận thức.
Nấu ăn tại nhà, không ăn thực phẩm chế biến sẵn
Bà Taylor tự chuẩn bị tất cả bữa ăn và không ăn đồ ăn sẵn trong nhiều năm. Điều này phổ biến ở những người trăm tuổi, nhiều người trong số họ lớn lên trước khi thức ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn trở nên phổ biến. Ví dụ, William, 101 tuổi, đến từ Toronto, Canada, tự nấu tất cả bữa ăn, với nhiều cá mòi, thứ mà ông cho là bí quyết trường thọ của mình.
Jack Van Nordheim, 101 tuổi, được biết đến với cái tên Uncle Jack trên mạng xã hội, chưa bao giờ thích tiêu thụ đồ ăn nhanh. Ông thích những bữa ăn tự nấu đơn giản như gà luộc. Ăn nhiều đồ nhà nấu có nghĩa là tiêu thụ ít thực phẩm siêu chế biến, vốn có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm trầm cảm, tiểu đường type 2, ung thư và bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2017 trên Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng và Hoạt động Thể chất Hành vi cho thấy những người nấu ăn tại nhà 5 lần một tuần có nhiều khả năng tuân theo các chế độ ăn uống lành mạnh, tiêu thụ nhiều trái cây và rau hơn, và có cân nặng khỏe mạnh.
Ăn vừa phải, no 80%
Yumi Yamamoto, làm việc cho LongeviQuest, một tổ chức xác minh tuổi của những người sống trường thọ, cho biết nhiều người trăm tuổi Nhật Bản tuân theo nguyên tắc "hara hachi bu", nghĩa là ăn đến khi no 80%. Bà cố của Yamamoto, là Shigeyo Nakachi - người cao tuổi thứ hai ở Nhật Bản cho đến khi bà qua đời năm 2021. Yamamoto cho biết bà Nakachi không bao giờ ăn quá nhiều và sẽ không ăn hết một thanh socola trong một lần.
Tương tự, châm ngôn của Martin McEvilly, sống đến 108 tuổi, là người đàn ông lớn tuổi nhất Ireland tuổi cho đến khi ông qua đời vào tháng 10, là "mọi thứ đều nên vừa phải". Đối với McEvilly, điều này có nghĩa là chỉ uống rượu vào tối chủ nhật, khi đó, ông sẽ thưởng thức ba cốc bia Guinness. Ông cũng đạp xe thường xuyên cho đến năm 99 tuổi.
Tự thưởng cho chính mình
Mặc dù những người siêu trăm tuổi Nhật Bản có xu hướng ăn uống điều độ, Yamamoto cho biết họ vẫn tự thưởng cho mình. Kane Tanaka, người cao tuổi thứ hai trong lịch sử được ghi nhận, sống đến 119 tuổi, thích uống một chai Coca-Cola mỗi ngày. Tương tự, Szekely thích ăn kem cà phê, và Uncle Jack cho rằng tuổi thọ của mình là nhờ ăn socola đen và mật ong hàng ngày.
Các chuyên gia dinh dưỡng đồng ý rằng việc kết hợp các món ăn vặt có thể giúp việc ăn uống lành mạnh trở nên bền vững hơn. Chuyên gia dinh dưỡng Nichola Ludlam-Raine khuyến khích chế độ ăn 80/20, tức là ăn uống lành mạnh 80% thời gian và cho phép bản thân ăn những gì mình thích 20% còn lại.
Mỹ Ý (Theo Business Insider)