Bị ung thư cổ tử cung ở tuổi 31, bà mẹ phải gửi ba con vào trung tâm chăm sóc

Charley Jayne Law, 31 tuổi, quyết định đến một bệnh viện ở London thăm khám sau khi thấy bị ra máu cục kích thước bằng "lòng bàn tay". Tuy nhiên, bác sĩ nam từ chối khám cho cô nhiều lần trong hai tháng, nói rằng những cục máu đông này "chỉ là kỳ kinh nguyệt".

Cuối cùng, Charley được chuyển đến khoa Phụ tại Bệnh viện King's College. Sau khi xét nghiệm máu, truyền máu và xét nghiệm sắt, cô nhận chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung hôm 27/1. Căn bệnh khiến cô yếu tới mức phải nhập viện nội trú, đồng thời đưa ra quyết định khó khăn là cho các con vào trung tâm chăm sóc khẩn cấp.

Trung tâm Ung thư Guy của bệnh viện thông báo họ không thể chữa khỏi cho Charley, nhưng điều trị được. Do Charley bị giảm cân từ 76 xuống 45 kg, các bác sĩ cũng đang cố gắng giúp cô phục hồi sức khỏe để có thể bắt đầu hóa trị.

"Tôi bị chảy từng cục máu đông có kích thước bằng lòng bàn tay", Charley, một bà mẹ toàn thời gian đến từ Sydenham, London, kể lại. "Tôi đã đến bệnh viện nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2024 và bị nhiều bác sĩ nam gạt phắt đi, nói rằng đó là do kỳ kinh nguyệt thôi, dù họ thậm chí không thực hiện những bước thăm khám cơ bản. Khi nhận tin dữ vào ngày 27/1, thế giới của tôi như đổ sụp".

Charley và con gái nhỏ đang tuổi tập đi. Ảnh: SWNS

Charley và con gái nhỏ đang tuổi tập đi. Ảnh: SWNS

Trong thời gian này, Charley đang ngày ngày đưa đón con đi học, phải tự chăm sóc đứa con gái nhỏ mới biết đi, làm việc nhà, đi khám và chụp chiếu. Cô cũng phải xin sự giúp đỡ từ các dịch vụ xã hội, trường học của đứa trẻ và bất kỳ ai.

"Tôi đã phải đưa ra quyết định khó khăn nhất là cho các con, những đứa trẻ chưa từng xa mẹ dù chỉ một đêm, vào trung tâm chăm sóc trẻ khẩn cấp. Cảm giác tội lỗi khiến tôi đau khổ, nhưng tôi biết mình phải nhập viện", Charley nói.

Charley đang dần tăng cân và hy vọng sẽ bắt đầu hóa trị trong những tuần tới. Cô cho biết các con, gồm hai trai và một gái, vẫn chưa hiểu rõ tại sao mẹ chúng không thể về nhà. Dù vậy, ba con đang là chỗ dựa vững chắc và chút hy vọng còn lại để Charley tiếp tục cố gắng. Cô cũng nỗ lực chụp ảnh và quay nhiều video nhất có thể để các con xem khi mẹ chúng không ở bên.

Julie Mullan, một người họ hàng của Charley, đã lập trang gây quỹ, hy vọng số tiền quyên được sẽ giúp Charley và các con có một kỳ nghỉ nhằm lưu lại những kỷ niệm đẹp.

"Bệnh tật khiến cô ấy bị hủy hoại. Tất cả những gì Charley muốn là được ở bên các con lâu nhất có thể. Cô ấy không muốn các con nghĩ mình đã bỏ rơi chúng", Mullan nói.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu do HPV, khoảng 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời nhưng chủ yếu là nhiễm thoáng qua. Trong đó, khoảng 20% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng, dễ gây biến đổi làm tổn thương các tế bào ở cổ tử cung. Quá trình một phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10-15 năm.

Ung thư cổ tử cung nguy hiểm vì diễn tiến âm thầm. Ở giai đoạn đầu khó phát hiện do tế bào ung thư chưa nhân lên nhiều, khối ung thư có kích nhỏ trên bề mặt niêm mạc cổ tử cung, chưa ra gây triệu chứng cảnh báo. Một số phụ nữ có thể có dấu hiệu nhưng dễ bỏ qua do nhầm lẫn với triệu chứng bệnh phụ khoa khác như chảy máu âm đạo bất thường, dịch vùng kín bất thường, rối loạn kinh nguyệt.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là 95%. Khi ung thư cổ tử cung đã lan đến các mô khác, cơ quan hoặc hạch bạch huyết lân cận, tỷ lệ này giảm còn 60%. Tầm soát để phát hiện sớm bệnh khi chưa có biểu hiện rất quan trọng. Phụ nữ được điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh cao, giảm tử vong do bệnh ác tính.

Hướng Dương (Theo NY Post, VnExpress)