Biến chứng sau khi điều trị sa bàng quang

Ngày 6/12, TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mảnh lưới này là một phần của tấm lưới 4 nhánh được đặt để cố định bàng quang. Hồi đầu năm, chị Quỳnh phẫu thuật tại một bệnh viện để đặt tấm lưới điều trị sa bàng quang độ hai kèm tiểu không tự chủ, từ đó đến nay thường bị viêm âm đạo.

Theo bác sĩ Liên, chị Quỳnh bị biến chứng lộ lưới có thể do thành âm đạo mỏng dẫn đến thiếu máu nuôi hoặc xung quanh vùng phẫu thuật bị nhiễm trùng, lưới không tương thích với cơ thể nên dần lộ ra ngoài. Thành âm đạo người bệnh dày, lượng máu nuôi tốt, mảnh lưới chưa làm tổn thương đến bàng quang, bác sĩ chỉ định cắt bỏ phần lưới lộ ra rồi che lại bằng thành âm đạo. Êkíp tạo một đường mổ ngắn ở âm đạo, cắt bỏ phần lưới thừa rồi khâu thành âm đạo hai lớp để che lưới.

Bác sĩ Liên (ở giữa) cùng các cộng sự phẫu thuật khắc phục lộ lưới âm đạo cho chị Quỳnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Liên (ở giữa) cùng các cộng sự phẫu thuật khắc phục lộ lưới âm đạo cho chị Quỳnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hai ngày sau phẫu thuật, chị Quỳnh phục hồi tốt, ít đau, được xuất viện. Bác sĩ chỉ định đặt thuốc nội tiết âm đạo để tăng lưu lượng máu nuôi, hạn chế nguy cơ tái phát lộ lưới. Tái khám sau hai tháng, chị Quỳnh không són tiểu, không tái phát viêm âm đạo.

Lộ lưới hay xói mòn lưới âm đạo là biến chứng ít gặp sau phẫu thuật đặt lưới điều trị sa bàng quang hoặc tiểu không tự chủ. Chị Quỳnh là bệnh nhân đầu tiên dưới 50 tuổi bị lộ lưới, điều trị tại Đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Nhóm có nguy cơ cao gặp biến chứng này là phụ nữ lớn tuổi, thiếu nội tiết tố nữ, thừa cân béo phì, mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, tăng huyết áp, có vết mổ rạch âm đạo trên 2 cm, từng phẫu thuật điều trị sa tạng chậu, bị tiểu không tự chủ. Trường hợp lộ lưới nặng phải phẫu thuật gỡ toàn bộ tấm lưới. Tuy nhiên, tấm lưới có diện tích lớn, khi gỡ ra có nguy cơ dẫn đến rò bàng quang - âm đạo.

Bác sĩ Phúc Liên khuyên phụ nữ gặp tình trạng sa tạng chậu, tiểu không tự chủ cần đến bệnh viện khám, xác định mức độ, nguyên nhân để điều trị phù hợp, tránh phát sinh biến chứng.

Thắng Vũ

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp