Bố thà lọc máu suốt đời quyết không cho con hiến thận

"Tôi sợ sau này sức khỏe của con suy giảm rồi có nguy cơ suy thận như bố sẽ ảnh hưởng cả đời con", ông Tài chia sẻ sau ca chạy thận hôm 13/12. Ông đã chạy thận nhân tạo gần ba tháng nay, phác đồ một buổi mỗi tuần kết hợp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh dinh dưỡng.

BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, giải thích chức năng thận của ông Tài suy giảm song còn khả năng lọc máu tạo nước tiểu, do đó không cần chạy thận theo chu kỳ ba lần mỗi tuần như đa số bệnh nhân khác. "Phác đồ điều trị kết hợp trên nhằm mục tiêu giúp bệnh nhân đảm bảo sức khỏe để có thể làm việc và sinh hoạt, không phụ thuộc lọc máu hoàn toàn", bác sĩ Hằng cho hay.

Ông Tài bị suy thận mạn 6 năm nay. Các bác sĩ Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết thận suy nên giảm chức năng lọc máu khiến độc tố, chất dư thừa tích tụ trong cơ thể. Trường hợp này, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc); một số người có điều kiện nên ghép thận.

Minh, 31 tuổi, con trai ông Tài, cho hay gia đình đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất này. "Tôi nghĩ đến việc hiến thận cho bố", Minh nói.

Ghép thận là phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối tối ưu, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe, trở về cuộc sống gần như bình thường. Tuy nhiên, người bệnh phải tìm được nguồn cho thận phù hợp. Theo bác sĩ Hằng, con trai hiến thận cho bố, tức nguồn thận từ người cùng huyết thống, khả năng tương thích cao, giảm nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật. Mặc khác, người hiến thận vẫn có thể sống khỏe mạnh, làm việc, lập gia đình và có con bình thường. Quả thận còn lại sẽ tăng cường hoạt động, bù đắp cho bên thận mất đi.

Tuy nhiên, ông Tài quyết không cho con hiến thận. "Tôi chấp nhận chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời", ông nói, khiến bác sĩ Hằng cảm kích trước sự dũng cảm và tấm lòng của người cha.

Bác sĩ Hằng khám ông Tài. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Bác sĩ Hằng khám ông Tài. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể thay thế cho thận đã suy giảm chức năng. Máu của người bệnh được vận chuyển qua dây dẫn đến hệ thống máy chuyên dụng để lọc, lấy đi các độc tố, chất dư thừa (urê, creatinine, kali, natri...) và giữ lại các chất cần thiết. Máu sau khi lọc xong được đưa trở lại cơ thể người bệnh. Tuy không điều trị khỏi suy thận mạn như ghép thận, phương pháp này giúp người bệnh duy trì sự sống đến lúc đủ điều kiện để ghép thận, thậm chí đến cuối đời.

Theo bác sĩ Hằng, các kỹ thuật chạy thận công nghệ cao hiện nay cùng nguồn nước siêu tinh khiết giúp nâng cao hiệu quả lọc máu, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của người bệnh. Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 ứng dụng công nghệ HDF online (thẩm tách siêu lọc máu) trong chạy thận nhân tạo. Công nghệ mô phỏng gần giống chức năng thận, lọc được các chất có trọng lượng phân tử trung bình đến lớn trong máu mà kỹ thuật chạy thận nhân tạo truyền thống không thể đáp ứng. Qua đó, người bệnh giảm nguy cơ phát sinh biến chứng tim mạch, tụt huyết áp, ăn ngon, ngủ sâu, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phòng lọc máu, Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Phòng khám cung cấp

Phòng lọc máu, Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Phòng khám cung cấp

Suy thận mạn diễn tiến âm thầm, hầu như không có triệu chứng hoặc biểu hiện mơ hồ ở những giai đoạn đầu nên khó phát hiện. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn, chức năng thận không còn hiệu quả, người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như phù nề tay chân, chán ăn, buồn nôn, nhức đầu, tăng huyết áp, thiếu máu...

Bác sĩ Hằng lưu ý mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng nhằm sớm phát hiện tổn thương thận hay các bệnh nguy cơ ảnh hưởng tới thận, kịp thời có biện pháp kiểm soát và điều trị phù hợp. Người được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn cần tái khám định kỳ để theo dõi chức năng thận, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc, tuân thủ hướng dẫn về chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi.

Thắng Vũ - Đức Trí

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp/