Bỏ thuốc lá có giúp giảm nguy cơ ung thư?

Trả lời:

Khói thuốc lá chứa hàng nghìn hóa chất độc hại, trong đó ít nhất 70 hóa chất được biết đến có khả năng gây ung thư. Các hóa chất này làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, cản trở quá trình tiêu diệt tế bào ung thư. Chúng làm hỏng hoặc thay đổi DNA của tế bào, từ đó khiến tế bào phát triển mất kiểm soát và tạo ra khối u.

Nguy cơ mắc ung thư giảm dần theo thời gian sau khi bạn cai thuốc lá. Sau khi bỏ thuốc lá, bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng và họng, thực quản, tuyến tụy, bàng quang, dạ dày, đại trực tràng, gan, cổ tử cung, thận, bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Cụ thể, sau khi bỏ thuốc 5-10 năm, nguy cơ mắc ung thư miệng, họng hoặc thanh quản, ung thư phổi giảm đi một nửa. Sau 20 năm bỏ thuốc lá, nguy cơ ung thư miệng, họng, thanh quản hoặc tuyến tụy giảm xuống gần bằng người không hút thuốc, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cũng giảm khoảng một nửa. Sau 10 năm bỏ thuốc, nguy cơ mắc ung thư bàng quang, thực quản, thận cũng có xu hướng giảm.

Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Ảnh: Xuân Duy

Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Ảnh: Xuân Duy

Cai thuốc lá còn mang đến những thay đổi tích cực về sức khỏe như giảm khả năng mắc các vấn đề về tim và phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhiễm trùng phổi, bệnh mạch vành. Người bỏ thói quen này có thể sống lâu hơn so với người vẫn tiếp tục hút thuốc, kéo dài thêm nhiều năm tuổi thọ.

Bỏ thuốc trước 40 tuổi góp phần giảm nguy cơ tử vong do bệnh liên quan đến hút thuốc đến 90%. Người đã mắc ung thư bỏ hút thuốc lá ít gặp tác dụng phụ nghiêm trọng và phục hồi nhanh sau điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng, ít có khả năng mắc ung thư thứ hai.

Cai thuốc lá là hành trình khó khăn, do đó người hút thuốc nên giảm dần lượng thuốc mỗi ngày, không ngừng hút quá đột ngột. Thiết lập những cột mốc nhỏ như một tuần không hút, một tháng không hút để có thêm động lực kiên trì từ bỏ thói quen này.

Bạn hút thuốc nên tầm soát ung thư định kỳ, kể cả khi chưa có triệu chứng. Các phương pháp như chụp CT liều thấp, nội soi tai mũi họng, siêu âm và xét nghiệm nước tiểu có thể góp phần chẩn đoán sớm bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Thu
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp